"Ức chế" của nàng dâu

Anh về quê. Thi thoảng mẹ lại “đá đểu” anh, rồi thở dài than: “Chao ôi, nuôi con trai lớn bằng ngần đấy, nó toàn nghe lời vợ, chẳng nhờ vả, trông mong, xin xỏ được gì đâu. Ngữ này, chồng keo một, vợ keo ba”.

Anh về quê. Thi thoảng mẹ lại “đá đểu” anh, rồi thở dài than: “Chao ôi, nuôi con trai lớn bằng ngần đấy, nó toàn nghe lời vợ, chẳng nhờ vả, trông mong, xin xỏ được gì đâu. Ngữ này, chồng keo một, vợ keo ba”.

Mô tả ảnh.
Em nghe mà có cảm giác mình bị xúc phạm. Sao anh không lên tiếng bênh vực em và thanh minh cho chính mình?

Ai chẳng muốn đẹp muốn giòn, muốn là người hào phóng, nhất là đối với người nhà, đi đâu mà thiệt. Nhưng chúng mình lấy nhau gần hai năm, kinh tế vẫn khó khăn vì em còn đang đi học lên nữa, nào đã dám sinh con. Tiền vào rồi lại ra gần hết dù em chẳng bao giờ mua thứ gì đắp vào người, ăn uống cũng bình thường. Sao anh không giải thích với mẹ?

Em vừa học, vừa làm, lại vừa phải đau đầu tính toán cân đối thu chi. Các khoản tiêu dùng tháng nào em cũng đưa anh xem, chỉ còn dư có tí dành để sau này sinh con. Nói dại nhỡ em phải mổ đẻ, rồi lại không có sữa, ai cho anh tiền để mua sữa cho con? Có ai hào phóng đưa tiền để lo cho mẹ con em không? Mình chẳng tự phòng xa thì thôi, định trông chờ vào ai?

Nhớ lần công ty buộc nhân viên phải mua hai mươi triệu đồng cổ phiếu, mình chạy vạy mãi không vay nổi ai, đành nhắm mắt nhắm mũi mượn của ông chú cây vàng SJC, cách đây một năm là mười chín triệu, giờ suýt xoát hai bảy triệu rồi, có cười nổi không?

Lần sau nếu mẹ nói anh cứ từ từ mà hỏi, giữa một người ăn tàn phá hại, có bao nhiêu tung tẩy phóng khoáng hết bấy nhiêu và một người căn cơ, biết tính toán trước sau để lo cho tương lai thì mẹ chọn đằng nào? Lý ra là người hiểu em, hiểu chuyện và hiểu mẹ nhất, anh nên đứng ra trình bày để bố mẹ rõ, mình còn trẻ, phải phấn đấu nhiều nên chưa thể hỗ trợ bố mẹ về kinh tế, tự lập được đã là tốt rồi.

Thêm nữa, bố mẹ còn trẻ, già yếu gì cho cam mà đã cần mình phụng dưỡng, con người ta ăn nhau về hậu kìa. Phải có chỗ đứng vững chắc thì mới ôm đồm, đa mang thêm được người khác chứ. Giờ mình khó khăn chồng chất khó khăn, anh không nói làm sao mẹ biết. Mẹ ở làng quê, chưa một lần thoát ly ra khỏi xã, tầm nhìn còn bó hẹp, toàn do nghe người khác kể, tưởng tượng sao được gia cảnh của mình mà anh cứ im im.

Tính anh hay đùa, một lợi điểm rất đáng quý nhưng sẽ khiến những người thật thà như mẹ nghe được lại hiểu lầm. Lần ai hỏi lương anh cười ha hả: “Mười lăm triệu”, rồi mới hạ giọng nói nhỏ “ba tháng”!

Nếu có tiền dư dả, em chẳng tiếc, nhưng mình đâu đã đến lúc có thể báo hiếu bố mẹ, thiết nghĩ buổi đầu còn vất vả này chỉ có thể thi thoảng về thăm nom, biếu ít quà, gọi điện hỏi tình hình và mua tặng mẹ chút gì đó, những cái này hai năm qua chưa lần nào em thiếu, đến mẹ đẻ em còn chưa chu đáo đến mức ấy, vì mẹ có thể thông cảm với em, còn mẹ chồng, đã bao giờ em bo bo nghĩ cho riêng mình hay chưa? Em không muốn kể lể những lần em tặng quà hay biếu mẹ tiền bởi thế là quá nhỏ nhen, nhưng mẹ còn muốn sao nữa, bởi nếu hơn thì vợ chồng mình đâu có, anh biết cơ mà.

Sao anh không phân bua công ty anh làm ăn khó khăn, năm nay còn chẳng có thưởng tết, thậm chí lương tháng hai còn bị nợ sang tháng ba mới trả. Sao không kể việc cây vàng vay năm ngoái vẫn chưa trả được, giờ đã bị lỗ gần tám triệu và còn có thể lên nữa.

Anh khiến em đêm qua mất ngủ vì một nỗi buồn, cứ đinh ninh chồng hiểu mình lắm, chồng rất biết cư xử... Đã định âm thầm ôm nỗi ấm ức ấy, nhưng rồi trong lòng lại nghĩ, không nói làm sao người khác hiểu?

Theo Dân trí

Đọc thêm