Ukraine thúc đẩy lập liên minh mới trong Quốc hội

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vừa kêu gọi nhanh chóng thành lập liên minh mới trong Quốc hội nước này, nhằm tránh một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vừa kêu gọi nhanh chóng thành lập liên minh mới trong Quốc hội nước này, nhằm tránh một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (giữa) tại phiên họp với các nghị sĩ Quốc hội.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (giữa) tại phiên họp với các nghị sĩ Quốc hội.  

Phát biểu tại cuộc gặp lãnh đạo các phái trong Quốc hội sau khi cơ quan lập pháp Ukraine thông qua nghị quyết bất tín nhiệm Chính phủ của Thủ tướng Yulia Tymoshenko, ông Yanukovych nhấn mạnh, vấn đề đầu tiên và quan trọng lúc này là thành lập liên minh mới trong Quốc hội để có thể nhanh chóng đề cử ứng cử viên Thủ tướng và thành lập Chính phủ, đưa Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính phủ và tiến về phía trước.

Theo ông, việc thành lập được liên minh mới trong Quốc hội sẽ giúp giới lãnh đạo đất nước phối hợp hành động chặt chẽ với nhau. Tổng thống Ukraine đề nghị lãnh đạo các phái trong Quốc hội hợp tác, nhanh chóng đạt được thỏa hiệp; đồng thời tuyên bố, “tôi sẽ chỉ hành động vì lợi ích quốc gia, xã hội và trong khuôn khổ luật pháp”.

Trước đó, liên minh trong Quốc hội Ukraine, gồm khối mang tên bà Yulia Tymoshenko, khối Litvin và phái “Ukraine của chúng ta - Tự vệ nhân dân” đã bị giải tán ngày 2-3 do không thể khẳng định sự tồn tại trong Quốc hội. Theo luật hiện hành của Ukraine, trong vòng 30 ngày kể từ khi liên minh trên sụp đổ, nếu các đảng phái không thành lập được một liên minh mới, Tổng thống có thể giải tán Quốc hội và ấn định một cuộc bầu cử Quốc hội mới. Như vậy, Tổng thống Yanukovych có 30 ngày để lập liên minh mới và 60 ngày để lập Chính phủ. Nếu không thành công sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Liên minh Màu Cam của bà Tymoshenko thành lập hồi tháng 12 năm 2008, là tập hợp lỏng lẻo dựa trên lý tưởng của cuộc Cách mạng Cam năm 2004. Cuộc đua tranh tam mã giữa bà Tymoshenko, ông Yanukovych và cựu Tổng thống Yushchenko đã làm Ukraine rơi vào tình trạng bế tắc chính trị nhiều năm, khiến nước này không đối phó được khủng hoảng kinh tế. Các nhà phân tích còn cho rằng, chừng nào bà Tymoshenko còn đứng đầu Chính phủ, tình trạng bế tắc vẫn còn tiếp tục.

Sau khi lên làm Tổng thống, ông Yanukovych đã tuyên bố về những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Cụ thể, Kiev chủ trương liên kết châu Âu phải phụ thuộc vào tiến trình cải cách trong nước, nối lại và phát triển quan hệ hữu nghị, láng giềng thân thiện và hợp tác thiết thực với Liên bang Nga, củng cố quan hệ đối tác với các nước láng giềng khác và quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, khôi phục quan hệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngoài ra, Tổng thống Yanukovych cũng khẳng định, Ukraine chỉ duy trì quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở mức cũ như dưới thời người tiền nhiệm Yushchenko. Ông khẳng định, Ukraine chủ trương giữ nguyên quy chế độc lập và chưa có ý định gia nhập tổ chức quân sự này. Tân Tổng thống Yanukovych cũng tỏ ý hài lòng về kết quả chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Brussels, Bỉ sau khi ông nhậm chức ngày 25-2 vừa qua.

Cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine cho biết, ông Yanukovych tuyên bố hoàn toàn ủng hộ những biện pháp phối hợp cụ thể với Ukraine do Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban châu Âu (EC) đề ra, trong đó có chủ trương áp dụng quy chế miễn thị thực giữa hai bên, thành lập khu vực thương mại tự do và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Ukraine khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế.

GIA HUY

Đọc thêm