Phát triển nông nghiệp là “trụ đỡ”
Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh lớn về phát triển nông nghiệp, với trên 80% người dân sản xuất nông nghiệp. Trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ nên năng suất, hiệu quả khá thấp.
Thời gian qua, với quyết tâm tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, chuyên canh, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ, chế biến.
Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo môi trường sinh thái phát triển bền vững.
Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sơn La cho biết: Xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế của tỉnh, thông qua các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp đã được tỉnh Sơn La cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp Sơn La có bước chuyển dịch mạnh mẽ.
Thực hiện chủ trương này, Sở NN&PTNT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó có ứng dụng công nghệ cao. Có thể nói, đây là định hướng rất đúng, trúng và phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới, tạo ra những chuỗi ngành hàng, đem lại những giá trị nông sản cao cho bà con nông dân. Xuất phát từ chủ trương này đã được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh quan tâm, đồng tình ủng hộ.
|
Lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm quan các gian hàng trưng bày nông sản của tỉnh. |
Từ khi triển khai thực hiện việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, điển hình là việc cơ cấu lại nông nghiệp và chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Qua đó, áp dụng các ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cũng như công tác bảo vệ, phát triển rừng… Cụ thể, thực hiện cơ giới hóa sản xuất bằng việc đưa máy móc vào sản xuất, thu hoạch sản phẩm; ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng, nhà lưới, nhà kính trong trồng trọt.
Đối với chăn nuôi, cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, chế phẩm sinh học... nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ mô, hom trong chọn, tạo, nhân giống các giống cây lâm nghiệp và ứng dụng công nghệ GIS trong bảo vệ rừng trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Còn trong lĩnh vực thủy sản, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc đàn cá bố mẹ, công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây, ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống nhằm tạo ra con giống có năng suất, chất lượng cao...
Hạt nhân của “hiện tượng” nông nghiệp
Với chủ trương, giải pháp đồng bộ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế khó tính.
Sơn La đang được đánh giá là một “hiện tượng” nông nghiệp của cả nước. Điều đó được minh chứng, năm 2024 tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.687 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 84.000ha cây ăn quả, sản lượng đạt gần 456.600 tấn.
|
Mô hình trồng nhãn ứng dụng khoa học kỹ thuật ở huyện Sông Mã. |
Nét nổi bật, toàn tỉnh công nhận được 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu quy mô trên 329ha; chăn nuôi bò sữa Mộc Châu; sản xuất cà phê và trồng na ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mai Sơn; sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mai Sơn với gần 400ha; trồng nhãn ứng dụng công nghệ cao tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, với hơn 300ha…
Đến nay, tỉnh Sơn La đang thực hiện duy trì 216 mã số vùng trồng, trong đó 205 mã số vùng trồng xuất khẩu, 11 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt, với tổng diện tích 3.158ha; có 154 sản phẩm OCOP; 29 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ.
Ông Hà Như Huệ chia sẻ: Song song với việc tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải gắn với chế biến, tiêu thụ. Tỉnh Sơn La đã ban hành những chính sách để hỗ trợ, giới thiệu thương hiệu sản phẩm cho người nông dân và các hợp tác xã, tập trung thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã lớn đến đầu tư để chế biến sâu.
Cùng với đó, triển khai các chính sách để hỗ trợ giới thiệu thương hiệu sản phẩm cho bà con nông dân. Nhiều sản phẩm đã mang thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến như: nhãn, xoài, chuối Sơn La… ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Sơn La được các tổ chức công nhận về thương hiệu và bảo hộ nông sản.
Điều vui hơn cả là Sơn La đã thu hút được một số nhà máy đến để chế biến sâu cho bà con Nhân dân nhằm làm tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ bà con Nhân dân phát triển các vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn.
Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các chuỗi giá trị, tạo ra những vùng sản xuất tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao. Đây một trong những yếu tố mang tính chất bền vững, thể hiện sự liên kết 6 nhà “nhà nông - Nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối”, cũng như đảm bảo phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Trong thời gian tới, xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh, “trụ đỡ” nền kinh tế của tỉnh, ngoài định hướng phát triển nông nghiệp, hữu cơ, tuần hoàn thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một yếu tố rất cần thiết để Sơn La bứt phá. Qua đó, tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp. Bởi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới mang lại năng suất và chất lượng tốt, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là định hướng lớn, chủ trương đúng đắn, một trong những nhân tố đưa nông nghiệp Sơn La phát triển trở thành “hiện tượng” nông nghiệp của cả nước.