Ứng dụng công nghệ thông minh bảo đảm an toàn nguồn nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng biến đổi khí hậu khiến nguồn nước hạn chế buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình vận hành để đảm bảo an toàn an ninh nguồn nước, cải thiện chất lượng nước sạch.
Các chuyên gia ngành Nước Việt Nam và Australia cho rằng, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ mới để giải quyết các vấn đề an toàn an ninh nguồn nước hiện nay.
Các chuyên gia ngành Nước Việt Nam và Australia cho rằng, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ mới để giải quyết các vấn đề an toàn an ninh nguồn nước hiện nay.

Ngành nước cần tăng cường áp dụng công nghệ mới

Tại Diễn đàn “Tạo điều kiện đổi mới sáng tạo để đạt được an toàn nước” trong chương trình sự kiện Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Úc 2021 do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội nước Úc (AWA) tổ chức, các chuyên gia trong ngành nước đã khuyến cáo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về nước cần đổi mới quy trình vận hành, tăng cường áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng nước sạch cũng như đảm bảo an toàn an ninh nguồn nước.

Giáo sư Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng), đồng thời là Phó Chủ tịch VWSA cho biết: Nhu cầu sử dụng nước sạch tăng trong khi nguồn nước mặt và nước ngầm ngày càng hạn chế. Khoảng 1/5 lượng nước sạch thất thoát, thất thu. Hệ thống đường ống cấp cũ và mới lẫn lộn, ô nhiễm tăng.

Trong khi đó năng lực kiểm soát chất lượng nước còn hạn chế, vận hành hệ thống còn thủ công ở nhiều nơi, giá nước thấp không đủ bù đắp chi phí nâng cấp hệ thống...

Theo giáo sư Việt Anh, với mục tiêu dich vụ cấp nước sạch đảm bảo an toàn và hiệu quả, hiện có các giải pháp như công nghệ xử lý nước phù hợp, quản lý và ứng phó với rủi ro, giám sát trực tuyến và kiểm soát ô nhiễm, các công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và hóa chất, giảm phát thải và chất gây ô nhiễm thứ cấp.

Bên cạnh đó còn có các công nghệ quản lý thông minh, đảm bảo cấp nước an toàn với chi phí hiệu quả nhất.

Các đại biểu tham dự diễn đàn trực tuyến.

Các đại biểu tham dự diễn đàn trực tuyến.

Từ một góc độ khác, ông Lê Minh, chuyên gia thương mại hóa công nghệ tại Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có việc hoàn thiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; thiết kế các chính sách hỗ trợ trung gian, khởi nghiệp… Cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để học hỏi, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Khái quát về khung pháp lý thúc đẩy sáng tạo trong ngành nước Úc, ông Mike Woolston, Trưởng nhóm Thực hành Nước Công ty Frontier Economics chia sẻ, đổi mới ngành nước sẽ mang lại các lợi ích như giảm chi phí cung cấp dịch vụ cấp thoát nước, cải thiện chất lượng và phạm vi các dịch vụ nước và nước thải, cũng như giải quyết các vấn đề lớn hơn trong quản lý nước.

Công nghệ nào để đảm bảo an toàn?

Tại diễn đàn, TS Amy Parker, Quyền giám đốc Trung tâm Quan sát trái đất của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp quốc gia (CSIRO), chia sẻ chương trình AquaWatch tại Úc quản lý chất lượng nước bằng cách xây dựng hệ thống giám sát sử dụng vệ tinh kết nối với các cảm biến gắn tại các điểm quan trắc trên mặt đất. Hệ thống sử dụng kết nối internet, cung cấp dữ liệu cảnh báo sớm và theo thời gian thực, đảm bảo tính chính xác, kịp thời.

Theo TS Amy Parker, AquaWatch là chương trình thiết kế cho nước Úc, nhưng cũng có thể áp dụng cho nhiều quốc gia khác. Đổi mới, áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí cung cấp dịch vụ cấp thoát nước, cải thiện chất lượng và phạm vi các dịch vụ về ngành nước…

Ông Gary McLay, kỹ sư của Công ty Westernport Water ở bang Victoria (Úc), giới thiệu các cách đổi mới công nghệ để quản lý tài sản ngành nước, như dùng công tơ thông minh, kiểm tra bằng phương tiện bay không người lái, kiểm tra đường ống bằng rô bốt, chủ động phát hiện rò rỉ bằng công nghệ phát hiện rò rỉ theo thời gian thực.

TS David Bergmann, Quản lý Nghiên cứu, phát triển và đổi mới tại Công ty South East Water ở bang Victoria (Úc), cho biết có thể dùng công tơ nước kỹ thuật số, cảm biến biến rung Sotto và Hydrotrak Geofence (công nghệ theo dõi nhà thầu xe bồn lấy nước từ trụ nước) để thực hiện chiến lược tiết kiệm nước. Về chiến lược tạo nguồn cấp nước thay thế, có thể dùng thiết bị Aquarevo biến nước mưa thành nước nóng và áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến…

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nước Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, với hoạt động hơn 140 năm, SAWACO nhận thấy, các rủi ro thường xuất hiện từ chỉ tiêu nước biến động, do hoạt động của trang thiết bị và do người vận hành hệ thống. Việc phân tích các nguyên nhân trên giúp SAWACO xây dựng các phương án giám sát, ứng phó với biến động về chất lượng nước cấp.

“Công ty đã có các giải pháp như tăng cường quan trắc chất lượng nước, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động xử lý và cung cấp nước sạch, thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện cho người vận hành hệ thống cấp nước và phân loại, giám sát máy móc, thiết bị thực hiện cấp nước an toàn”- ông Trần Kim Thạch cho hay.

Để tránh thất thoát thương mại, ông Cao Văn Quý, Tổng giám đốc Công ty CP cấp nước Hải Phòng cho biết, đơn vị đã sử dụng phần mềm đọc số, thu tiền bằng điện thoại thông minh (qua mạng internet), dùng phần mềm chuyên biệt quản lý đồng hồ và kiểm soát địa bàn.

Còn để giảm thất thoát cơ học và chủ động tìm kiếm rò rỉ, công ty sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị thông minh trong hệ thống Điều khiển Giám sát và Thu thập Dữ liệu SCADA.

Diễn đàn “Tạo điều kiện đổi mới sáng tạo để đạt được an toàn nước” là diễn đàn cuối cùng, khép lại Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021 với chủ đề “An toàn cấp nước – Hướng tới sự phát triển bền vững”.

Phát biểu bế mạc sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA, bày tỏ mong muốn hai Hội ngành nước Việt Nam và Úc tiếp tục chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về thể chế, giúp Việt Nam xây dựng Luật Cấp Thoát nước.

VWSA cũng mong muốn AWA chia sẻ hỗ trợ trong xây dựng hệ thống qui chuẩn, tiêu chuẩn cấp nước an toàn, các tiêu chí cấp nước an toàn cho hệ thống cấp nước sạch, số hóa ngành nước và ngành xây dựng, nâng cao năng lực quản lý vận hành, quản trị tài chính, tài sản,… đồng thời thành viên hai hội ngành nước Việt Nam và Úc sẽ tiếp tục “bắt tay hợp tác” trong các kết nối tương lai.

Úc và Việt Nam là đối tác trong các hiệp định thương mại tự do: Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc bảy tháng đầu năm 2021 tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 6,88 tỷ đô la Mỹ, theo số liệu của Hải quan Việt Nam.

Đọc thêm