Theo điều tra mới đây của cơ quan chuyên môn, tỷ trọng đầu tư cho phần cứng trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 70%, phần mềm 10%, cho internet và Website 12%, dịch vụ 5% và đào tạo 3%. Mặt khác, việc sử dụng các dịch vụ CNTT cũng rất hạn chế.
Đầu tư thiếu chiều sâu
Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp truyền thống, có nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều lĩnh vực kinh tế phát triển năng động nên việc ứng dụng công nghệ thông tin) trong các doanh nghiệp sớm hơn so với nhiều địa phương khác. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng các phần mềm văn phòng, quản lý về tài chính, kế toán, nhân lực, hoạt động quảng bá sản phẩm, thương hiệu, mở rộng thị trường…vào sản xuất, kinh doanh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao; một số ít doanh nghiệp thiết lập mạng nội bộ và xây dựng những kho dữ liệu điện tử. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn bước đầu ứng dụng CNTT trong các dây chuyền sản xuất tự động hóa, hoặc trong các công đoạn sản xuất yêu cầu công nghệ cao, như trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu biển, sản xuất rôbốt, sản xuất thép, xi măng, sản phẩm nhựa, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giải trí…
|
Điều hành hoạt động của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng bằng hệ thống công nghệ thông tin. Ảnh: Duy Thính |
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý nhà nước về CNTT), hạn chế trên có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, coi trọng việc ứng dụng CNTT. Một số doanh nghiệp mới chú trọng đầu tư thiết bị phần cứng với trang bị một số máy tính, chưa đầu tư sử dụng các phần mềm quản lý, điều hành, chưa quan tâm thu thập thông tin trên internet, chưa triển khai thương mại điện tử… Hầu hết doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ tư vấn CNTT chuyên nghiệp, một số ít doanh nghiệp sử dụng ngay đội ngũ tư vấn nội bộ, một số không sử dụng bất cứ dịch vụ CNTT nào. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng website riêng, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp có ứng dụng các hoạt động thương mại điện tử.
Nhìn chung, việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp của thành phố còn hạn chế, mới ở giai đoạn đầu, hiệu quả chưa cao, chưa đồng đều, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và thành phố. Các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều giải pháp hiệu quả trong hệ thống thanh toán, quản lý doanh nghiệp và các dịch vụ trong thương mại điện tử, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp vừa và lớn như cảng, ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp CNTT. Các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực khác ứng dụng CNTT còn yếu. Hiệu quả bước đầu mới chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp lớn, có khả năng tiềm lực tài chính mạnh. Ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, việc ứng dụng CNTT hạn chế hơn nhiều. |
Trên website của thành phố có chuyên trang giới thiệu doanh nghiệp từ lâu, nhưng đến nay mới có khoảng 400 doanh nghiệp trong tổng số hơn chục nghìn doanh nghiệp của thành phố gửi thông tin giới thiệu. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, từ phía các doanh nghiệp, như nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp chưa được đúng mức, đầy đủ. Doanh nghiệp chưa thấy rõ vai trò, hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng CNTT trong kinh doanh. Mặt khác, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hạn chế, có thể điều hành, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh bằng phương pháp truyền thống, do đó chưa thực sự chú trọng đến việc ứng dụng CNTT. Việc ứng dụng CNTT và xây dựng hệ thống thông tin cần khoản đầu tư không nhỏ, cả về chi phí và nhân lực. Trong khi đó, yếu tố này không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng. Nhiều doanh nghiệp khả năng tài chính hạn hẹp khó có điều kiện trang bị máy tính, phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực đủ mạnh để vừa có thể quản trị vừa có thể đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp tự lắp đặt theo nhu cầu, khả năng sử dụng CNTT của mình.
Cần một kế hoạch tổng thể
Thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào tất cả lĩnh vực, trong đó có việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp. Vấn đề là các doanh nghiệp cần xác định việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT phải trở thành nhu cầu tự thân. Vấn đề này càng quan trọng, khi mà xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó không chỉ là nhu cầu và lợi ích của bản thân doanh nghiệp mà còn là nhu cầu, lợi ích của các đối tác, đối tượng phục vụ của các doanh nghiệp và phù hợp với yêu cầu phát triển chung. CNTT là một lĩnh vực phát triển rất nhanh, vì vậy để việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, mỗi doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch tổng thể trong ứng dụng CNTT cho đơn vị mình trong vòng 5-10 năm, có phân kỳ đầu tư; cùng với đó cần chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, vận hành CNTT. Để giải quyết vấn đề này, có một yếu tố quan trọng là cách nhìn nhận và sự quan tâm của người lãnh đạo doanh nghiệp. Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, quy mô doanh nghiệp thế nào thì cần có hệ thống thông tin tương xứng với nó, đáp ứng yêu cầu phát triển theo nhịp độ tăng trưởng của doanh nghiệp và phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh theo từng thời kỳ. Muốn vậy, các doanh nghiệp nên thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về CNTT.
Tiến Đạt