Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục hồi hoạt động của doanh nghiệp trong dịch Covid-19

(PLVN) - Ngày 18/8, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục hồi hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19”.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Tọa đàm được tổ chức để các chuyên gia trong nước, quốc tế về AI cùng chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp đưa ra những chiến lược từng bước ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19.

Công nghệ AI hỗ trợ điều chế vaccine Covid-19

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, đây là sự kiện mở đầu nằm trong chuỗi sự kiện AI4VN được tổ chức thường niên, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy ngành AI Việt Nam. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, Bộ KH&CN tổ chức sự kiện online ở Hà Nội và trực tiếp tại TP HCM (dự kiến tháng 11) nhằm đảm bảo đúng quy định giãn cách.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.
 Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, việc tổ chức sự kiện trong bối cảnh Covid-19 nhằm kịp thời cung cấp thông tin để doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi chuỗi đứt gãy trong cung cấp hàng hóa, từ đó đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Sự kiện hướng tới thúc đẩy các nền tảng hệ thống trực tuyến, chuyển đổi số đang ngày càng ứng dụng rộng rãi trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, Thứ trưởng Duy nói.

Bà Joumana Ghosn, Giám đốc Nghiên cứu ứng dụng - Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Mila (Canada), chia sẻ, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất gần gũi trong cuộc sống. Đơn cử như ứng dụng AI tại đơn vị điều trị, thăm khám từ xa giúp cho các bệnh nhân giao tiếp, trao đổi với bác sĩ, sử dụng hệ thống hỏi đáp tự động băng ngôn ngữ tự nhiên. Hay như Mila từng phối hợp với doanh nghiệp khai khoáng mỏ địa chất, tự động phân tích ảnh 3D khi khảo sát vùng mỏ.

Khi Covid-19 bùng phát, Viện Mila hợp tác với Chính phủ Canada để xây dựng hệ thống giải đáp các câu hỏi từ người dân và doanh nghiệp về dịch bệnh. Phiên bản đầu tiên thực hiện trong hai tháng rưỡi với nguồn dữ liệu, thông tin thu thập từ các chuyên gia.

Lời khuyên từ đại diện viện Mila đối với các doanh nghiệp, ứng dụng AI là cần thiết, song cần nhấn mạnh vai trò của các lãnh đạo cấp cao, trang bị đủ nguồn lực con người, sẵn sàng cho các rủi ro.

Theo bà, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay lúng túng trong quá trình cập nhật công nghệ. Với AI khi ứng dụng doanh nghiệp cần liên tục cải thiện và kiên nhẫn với những lỗi sai vì đây là quá trình tự học và hoàn thiện của công nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tiếp nhiên liệu là dữ liệu cho hệ thống AI. Phải có dữ liệu thì những hệ thống này mới tạo ra giá trị, bà Joumana Ghosn nói.

Tại tọa đàm, tiến sĩ Stefan Hajkowicz, Trưởng nhóm Nghiên cứu nhóm chuyên gia kỹ thuật số của Cơ quan Khoa học quốc gia của Australia, cho biết, AI hiện diện ở mọi lĩnh vực kinh tế, địa phương của nước này. Ngay lúc này, các chuyên gia hàng đầu của Austrailia đang dùng công nghệ phục vụ việc điều chế vaccine Covid-19.

Công nghệ AI hỗ trợ rất tốt cho các bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu. Đặc biệt là AI rút ngắn thời gian ở nhiều công đoạn điều chế vaccine, tiến sĩ Stefan Hajkowicz nói.

Việt Nam cần xây dựng dữ liệu để phát triển AI 

Ông Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila (Canada), cho biết, AI cho nhiều thành tựu trong lĩnh vực dịch vụ dịch thuật, thành phố thông minh, quản lý đô thị, giao thông... Và hiện AI đã phát triển trên thế giới từ lâu, dẫn đầu là Bắc Mỹ với các công ty công nghệ lớn. Làn sóng tiếp theo từ Đức, Nhật Bản.

Việt Nam còn nhiều khoảng trống cho AI.
  Việt Nam còn nhiều khoảng trống cho AI.

Với Việt Nam, chúng ta còn nhiều khoảng trống cho AI. Trí tuệ nhân tạo có thể len lỏi mọi ngành. Điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế, nông lâm thuỷ sản... để phát huy.

“Giải pháp cho vấn đề này là trong trường hợp doanh nghiệp không mua được trọn bộ, có thể mua dữ liệu đã được dán nhãn. Tại Việt Nam, một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ dán nhãn dữ liệu để dạy học cho hệ thống, ví dụ như FPT”, ông Phong cho biết thêm.

Các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần xây dựng dữ liệu để phát triển AI bởi dữ liệu cho công nghệ AI còn chưa được quan tâm, các doanh nghiệp muốn cập nhật thông tin còn khó khăn… Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề nằm ở mặt cung cầu, dữ liệu ít người mua, người làm thì chưa có. Tại Việt Nam chưa hình thành thị trường dữ liệu cho AI. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu là cần thiết để Việt Nam có thể phát triển và ứng dụng AI nhiều hơn trong các ngành.

Tại Việt Nam từ năm 2014, Al được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển.

Tháng 10/2018, Bộ KH&CN ban hành kế hoạch triển khai Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025 nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ Al, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh”.

Đọc thêm