Ủng hộ quy định về tăng cường bảo vệ quyền dân sự

(PLO) - Hôm qua 20/4, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị khu vực phía Bắc góp ý Dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã tham dự và lắng nghe các ý kiến góp ý đầy tâm huyết.
Thu hút hàng trăm nghìn lượt ý kiến góp ý
Báo cáo về công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho biết: Dưới nhiều hình thức đa dạng, tính đến ngày 15/4, các Bộ, ngành, địa phương đã lấy được hàng trăm nghìn lượt ý kiến về Dự thảo Bộ luật. 
Tất cả các ý kiến này được tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Nội dung ý kiến được Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để dự kiến tiếp thu, chỉnh lý hoặc giải trình, làm rõ hơn những vấn đề được đưa vào hoặc không đưa vào Dự thảo Bộ luật.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, về cơ bản, đa số ý kiến đều cho rằng mục tiêu, quan điểm xây dựng Dự án Bộ luật là phù hợp, nội dung Dự thảo có nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng, góp phần triển khai các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp 2013, các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự. 
Cũng theo Thứ trưởng, hội nghị là hoạt động thứ 8 trong tổng số 10 hoạt động cần tiến hành để lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Bộ luật với hai phần nội dung lớn là xoay quanh 10 vấn đề trọng tâm và các vấn đề khác. “Hiện nay, Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục tiếp nhận tổng hợp ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi về” – Thứ trưởng Tụng cho biết thêm.
Đánh giá cao công tác tổ chức lấy ý kiến thời gian qua, các đại biểu dự hội nghị đồng thời góp ý một số nội dung với mong muốn các quy định của Bộ luật thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền. 
Chẳng hạn, Dự thảo Bộ luật dự kiến chỉ ghi nhận chủ thể quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân, còn hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác được Bộ luật đề cập như là những thực thể pháp lý để thông qua chúng, cá nhân tham gia vào các quan hệ dân sự. 
Phó Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự (Đại học Luật Hà Nội) Nguyễn Minh Tuấn đồng tình cho rằng không nên điều chỉnh hộ gia đình và tổ hợp tác trong Bộ luật, còn trong trường hợp vẫn ghi nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình thì phải làm rõ thành viên của chủ thể này trong quan hệ đất đai và kinh doanh. 
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa lại đề nghị tiếp tục ghi nhận chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác nhưng cần bổ sung nhiều quy định như cách thức xác định thành viên hộ gia đình, người đại diện của hộ gia đình, quyền và nghĩa vụ của người đại diện, tách bạch tài sản của hộ gia đình sử dụng vào sản xuất kinh doanh. 
Bà Hòa cũng dẫn chứng, tổ hợp tác là hình thức liên kết tự nguyện đang khá phổ biến ở khu vực nông thôn với con số khoảng 369 nghìn tổ hợp tác, thu hút 4 triệu lao động, góp phần vào quá trình phát triển của đất nước.
Tòa án từ chối giải quyết tranh chấp dân sự là không được!
Một thay đổi đột phá của Dự thảo Bộ luật là quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự. Qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, đa số ý kiến nhất trí với quy định trên bởi nó sẽ góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, là một bước đi cụ thể trong việc triển khai, thi hành Khoản 3 Điều 102 của Hiến pháp 2013, góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta và bảo đảm hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tư pháp Lạng Sơn Hoàng Thúy Duyên, tại địa phương thì đa số ủng hộ quy định rất cải cách này nhưng có khoảng 6% tổ chức và 7% cá nhân chọn phương án không quy định trong Bộ luật mà các cơ quan không đồng tình lại nằm ở cơ quan pháp luật là Tòa án, Công an. 
“Lý do không tán thành vì họ lo ngại sẽ dẫn đến tùy tiện trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hơn nữa không phù hợp với chức năng, thẩm quyền của TAND theo Luật Tổ chức TAND mới” – bà Duyên thông tin.
Trong khi đó, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào khẳng định quan điểm của TANDTC và của cá nhân ông là đồng tình với quy định về trách nhiệm của Tòa án trong bảo vệ quyền dân sự bởi Hiến pháp đã nêu rõ: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. 
Ông Hào đặt câu hỏi, để thực hiện bảo vệ quyền dân sự, tất cả hành vi vi phạm quyền dân sự thì TAND phải có trách nhiệm bảo vệ, nếu Tòa án không bảo vệ liệu cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? Ngoài ra, những tranh chấp mà Tòa án từ chối giải quyết tức là Nhà nước từ chối giải quyết và như vậy là không được. 

Đọc thêm