Ứng phó thảm họa

Một trong những vấn đề mà Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân quan tâm trong chuyến công du đầu tiên ở miền Trung sau khi nhận nhiệm sở, đó chính là tiến độ xây dựng Trung tâm Cảnh báo sớm và Quản lý lụt bão Đà Nẵng do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hợp tác, đầu tư.
Một trong những vấn đề mà Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân quan tâm trong chuyến công du đầu tiên ở miền Trung sau khi nhận nhiệm sở, đó chính là tiến độ xây dựng Trung tâm Cảnh báo sớm và Quản lý lụt bão Đà Nẵng do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hợp tác, đầu tư.
Ứng xử thân thiện với thiên nhiên sẽ giảm được thảm họa. Trong ảnh: Cảnh hoang tàn sau bão số 9 (năm 2009) ở Đà Nẵng.
Trong buổi tiếp Ngài Tổng Lãnh sự, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh nhấn mạnh rằng, với vị trí địa lý và vai trò của mình trong khu vực miền Trung, thì việc xây dựng một trung tâm như thế tại Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ công tác cứu hộ và ứng phó với thiên tai trên địa bàn thành phố và cả khu vực miền Trung. Đây là vấn đề được cả hai bên đề cập, khi cơn lũ lịch sử đầu tiên trong năm bắt đầu tàn phá và để lại những hậu quả nặng nề ở các tỉnh bắc miền Trung đầu tháng 10 vừa qua.

Như vậy, trên địa bàn Đà Nẵng và khu vực miền Trung, sẽ có thêm một trung tâm liên quan đến cảnh báo, ứng phó với thảm họa tầm khu vực đi vào hoạt động trong thời gian tới nhằm có những động thái tích cực trước hiểm họa do thiên tai luôn rình rập khu vực này.

Thế nhưng, điều quan trọng không phải chỉ là cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm phát hiện và tạo điều kiện ứng phó, mà quan trọng hơn trong việc ứng phó với thảm họa (cả thiên tai lẫn nhân tai) chính là ở con người. Nhận thức và ý thức của cộng đồng trước những nguyên nhân và hậu quả của thảm họa là vấn đề cần được “cảnh báo”, sau những hậu quả nặng nề của thảm họa đã để lại trên dải đất miền Trung từ trước đến nay. Những bài học được rút ra bao giờ cũng khá muộn màng, sau khi đánh đổi không ít sinh mạng của con người hoặc thảm họa về môi trường, về vật chất, về cơ sở hạ tầng…

Trước tiên, đó là sự ứng xử ngắn hạn trước những thảm họa, như sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; là những ứng phó cập rập, lúng túng, thiếu đồng bộ của chính quyền, cơ quan chức năng và người dân khi thảm họa xảy ra… Một ví dụ gần đây nhất, là sự việc xảy ra vào sáng 18-10, chiếc xe khách khi cố gắng vượt qua đoạn Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang ngập tràn nước lũ thì bị cuốn trôi, mang theo 37 con người xuống dòng nước đỏ ngầu; trong đó có 19 người không thể thoát nạn. Họ là những nạn nhân, đáng ra không phải chịu cảnh mất mát đau thương đó trước thảm họa lũ lụt đeo bám các tỉnh bắc miền Trung lúc này. Một bài học kinh nghiệm nữa lại được rút ra, nhưng liệu có ý nghĩa gì đối với họ; trong khi tai nạn đó có thể ngăn ngừa được trong tầm tay.

Mọi sự so sánh có thể khập khiễng, nhưng lấy ví dụ về sự ứng xử trong vụ sập hầm mỏ chôn vùi 33 thợ mỏ tại Chi-lê ở độ sâu 700 mét trong 69 ngày. Hoàn toàn không có một manh mối hoặc liên lạc nào trong 17 ngày đầu tiên, nhưng với bản năng và kinh nghiệm sinh tồn, họ đã có những giải pháp duy trì cuộc sống cho đến lúc được đưa lên khỏi mặt đất. Bên cạnh bản năng và kinh nghiệm sinh tồn, thì trong họ đã có một niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ được cứu sống và họ đã được sống. Trong khi đó, những người đi trên chiếc xe khách định mệnh qua Quốc lộ 1A hôm 18-10 lại đang ở trên mặt đất; chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cộng đồng… đang có những động thái tích cực trong việc giải quyết, khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra. Sự mất mát của họ, vì thế, càng đáng thương tâm!

Từ thực tế những mất mát sinh mạng thương tâm này, bên cạnh việc tăng cường công tác dự báo, phòng, chống thiên tai…, thì đã đến lúc, cần giáo dục cho cộng đồng những kỹ năng, kiến thức cần thiết trong ứng xử trước thảm họa. Những kỹ năng ứng phó đó không bao giờ thừa, nhất là với khu vực miền Trung - nơi hứng chịu nhiều thảm họa từ thiên nhiên.

Tuy nhiên, đó chỉ là những ứng phó ngắn hạn trong thảm họa. Còn đối với dài hạn, thì việc ứng xử với thiên nhiên, với môi trường… là vấn đề cần thường xuyên được nhắc đến và hành động. Bởi, những kỹ năng ứng xử trước thảm họa có thể cứu được con người, tài sản hôm nay; nhưng không thể cứu con người trước thảm họa toàn cầu trong tương lai, do con người hôm nay gây ra.

Anh Quân

Đọc thêm