|
Thi công kè đê biển Giao Phong (Giao Thuỷ).
Ảnh: Tất Thắc
|
Tỉnh ta có 72 km bờ biển và là hạ lưu của nhiều con sông lớn như: sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào, sống Đáy… nên dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời gian gần đây ở tỉnh ta đã xuất hiện những biểu hiện của hiện tượng thời tiết cực đoan: lũ lụt, hạn hán, nhiễm mặn và sự xâm thực của biển, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn người dân, đặc biệt là cư dân ở vùng ven biển và ven các sông lớn. Kết quả nghiên cứu của Mạng lưới Cộng tác vì nước của Việt Nam; Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; Sở NN-PTNT cho thấy: Tại xã Hải Lý và Hải Hòa (Hải Hậu), tình trạng nước biển xâm thực đang diễn ra với tốc độ nhanh, nước biển và triều cường dâng cao hơn mức bình thường. Mùa mưa, bão xuất hiện sớm hơn trước và kéo dài đến hết tháng 10 (trước đây thường xuất hiện từ tháng 5 đến hết tháng 9). Trong những năm gần đây, gió mùa xuất hiện không theo quy luật, gió tây nam ít xuất hiện, gió mùa đông bắc đã có vào tháng 8. Tình trạng bồi lắng tại các cửa cống, các kênh tiêu nước đang diễn ra khá phổ biến. Những năm 1990, người dân khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt chỉ khoan 90-100 m đã có rất nhiều nước và chất lượng nước tốt. Nhưng đến nay, để có được nguồn nước đảm bảo chất lượng, người dân phải khoan sâu 120-130 m. Như vậy, nguồn nước ngầm của vùng này đã bị sụt giảm 20-30 m trong 2 thập kỷ qua. Theo đánh giá của Trung tâm quan trắc tài nguyên - môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) thì hiện nay ở tỉnh ta, tình trạng sụt giảm nước ngầm có tốc độ khá nhanh 0,3-0,4 m/năm. Hiện tượng nước nhiễm mặn theo các con sông vào sâu tới 25 km như huyện Giao Thủy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhiều người dân. Qua điều tra ở 125 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, hiện có 169 nghìn chiếc giếng khoan được các hộ dân sử dụng để khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất, trong đó có 16% số giếng có nguồn nước bị nhiễm Asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đồng chí Đoàn Minh Vụ, Trưởng phòng Tài nguyên Nước - Khoáng sản - Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết: Từ năm 1995 đến nay, nguồn nước ngầm ở tỉnh ta đã bị sụt giảm hơn 8 m, làm nhiều huyện như: Trực Ninh, Nghĩa Hưng… có 30-40% số giếng khoan không thể sử dụng được đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng.
Để giảm nhẹ những thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta cần chủ động thích ứng bằng những biện pháp ở cấp vĩ mô và cấp cộng đồng. Trước mắt, các huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kiên cố hóa tuyến đê biển (đê cấp I) bảo đảm cao trình đê chịu được bão có sức gió giật cấp 10, 11. Xây dựng công trình giao thông, thủy lợi bao gồm: hệ thống tiêu nước, đê kè hợp lý, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng. Trước mắt cần tập trung đầu tư hoàn thiện hơn 20 km tuyến đê biển, xây mới 10 cống qua đê (Hoành Lộ, Cồn Tàu, Xương Điền, Doanh Châu, Ngọc Lâm…) và nâng cấp hệ thống đê sông bảo đảm chống được mức lũ thiết kế. Ở tầm vĩ mô, tỉnh cần tiếp tục thực hiện các chương trình trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, với các đối tượng: bần, sú, vẹt và phi lao để chắn sóng và mở rộng các bãi bồi, cống xói mòn đất. Bằng các nguồn lực, UBND tỉnh xây dựng và có cơ chế, chính sách, dự án cụ thể để hỗ trợ các địa phương, nhất là hỗ trợ người nông dân trong việc lựa chọn trồng các loại cây phù hợp, các giống cây trồng mới có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu biến đổi ở địa phương. Điều tra, nghiên cứu và thực hiện quy hoạch chi tiết khu vực nuôi thủy hải sản, khu sản xuất muối, trồng cói, trồng rừng ngập mặn… Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về phương pháp ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Đồng thời hỗ trợ chính quyền các địa phương và cộng đồng xây dựng kế hoạch phòng ngừa, giảm nhẹ những thiệt hại từ những tác động của thiên tai. Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng đê chống lũ và nhà chịu bão. Cùng với những biện pháp thích ứng, cần có giải pháp giảm nhẹ sự biến đổi của khí hậu như phát động phong trào trồng cây xanh để giảm nguy cơ sạt lở đất và thu trữ khí các bon - thủ phạm gây hiệu ứng nhà kính gây nên sự biến đổi khí hậu hiện nay. Từng bước phục hồi những khu rừng ngập mặn, đồng thời xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ những cánh rừng hiện có ở ven biển theo hướng bền vững. Tỉnh ta hiện có trên 1500 ha rừng ngập mặn đang phát huy khá tốt hiệu quả trong việc chắn sóng, chống xói mòn, sạt lở tại các tuyến đê biển. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới điển hình về công tác quản lý, phối hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế trên một vùng đất ngập nước ven biển của 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình. Hiện nay, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ Sông Hồng đang tích cực xây dựng cơ chế quản lý cụ thể, thống nhất biện pháp, quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành và các địa phương. Tuy nhiên, hiện rừng ngập mặn đang bị suy thoái do bị ảnh hưởng của thiên tai như: gió bão, thủy triều dâng và đặc biệt là việc khai thác quá mức của con người. Nhiều khu vực rừng ngập mặn bị chặt phá và chuyển đổi thành những vùng nuôi thủy sản. Để giữ gìn và phát triển diện tích rừng ngập mặn, tỉnh ta cần xây dựng cơ chế quản lý rừng ngập mặn hợp lý, có sự chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa chính quyền và cộng đồng dân cư, nhất là cư dân các xã vùng đệm. Chính quyền các địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện việc quy hoạch kế hoạch sử dụng vùng đất ngập nước, các khu vực rừng ngập mặn. Trên cơ sở đó, triển khai quy hoạch, phân loại và xây dựng cơ chế bảo vệ khu vực rừng ngập mặn thuộc vùng lõi, khu vực được bảo vệ, khu vực được khai thác, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản./.
Phạm Khôi Nguyên