Ứng phó với động đất, sóng thần: Nhiều khâu còn lúng túng

“Chúng ta quá lúng túng khi đối phó với động đất và thông tin cảnh báo sóng thần năm 2005, từ Trung ương đến địa phương, sau khi nhận tin báo không biết làm gì, làm thế nào, chạy bao nhiêu mét...”

“Chúng ta quá lúng túng khi đối phó với động đất và thông tin cảnh báo sóng thần năm 2005, từ Trung ương đến địa phương, sau khi nhận tin báo không biết làm gì, làm thế nào, chạy bao nhiêu mét...”- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát nhận định như vậy khi mở đầu hội nghị trực tuyến về triển khai thực hiện quy chế cảnh báo động đất, sóng thần của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-6.

 

Cơn bão năm 2005, sóng to phá vỡ hệ thống đê biển Cát Hải Ảnh: Duy Lân

Cơn bão năm 2005, sóng to phá vỡ hệ thống đê biển Cát Hải

                                                                                      Ảnh: Duy Lân

Lúng túng tiếp nhận và xử lý thông tin cảnh báo

 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, hồi 20 giờ ngày 26-12- 2005, lần đầu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và cơ quan nghiên cứu vật lý địa cầu báo động về nguy cơ sóng thần, ngay sau khi xảy ra những trận động đất 6,7 và 7,1 độ richter ở phía tây nam quần đảo Đài Loan. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo sóng thần của khu vực và thế giới thì dư chấn của nó có nguy cơ gây ra sóng thần, ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Việt Nam . Ngay lập tức hàng chục tỉnh, thành phố điện về Ban chỉ đạo PCLB Trung ương hỏi xem nguồn gốc cảnh báo này có chính xác không, ban chỉ huy PCLB- TKCN cấp tỉnh phải làm gì ngay sau khi nhận được tin báo? Người dân một số tỉnh ven biển đã cấp tập đi sơ tán nhưng họ không biết chạy bao xa thì an toàn, tàu ngoài khơi lúng túng không biết chạy vào bờ hay ra khơi xa…Khâu tiếp nhận và xử lý thông tin cảnh báo khi ấy rất rối, không rõ đầu mối.

 

Nhằm bảo đảm hiệu quả công tác này, năm 2007 và 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quy chế về cảnh báo, ứng phó với động đất, sóng thần. Trong đó, quy định rõ cơ quan duy nhất có thẩm quyền phát tin động đất, tin cảnh báo sóng thần tại Việt Nam là Viện Vật lý địa cầu, sau đó, tin được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng và ban chỉ huy PCLB – TKCN các địa phương.

 

Tuy nhiên, tại hội nghị giao ban trực tuyến ngày 29-6, phần lớn các nhà khoa học, các địa phương cho biết, đều lúng túng trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Các địa phương cho rằng, tốc độ lan truyền của sóng thần là rất nhanh, từ khi nhận được tin cảnh báo đến lúc ảnh hưởng đến ven bờ chỉ có 2 giờ đồng hồ, rất ít thời gian để chuẩn bị. Vậy phải làm thế nào để phát tin, truyền tin và xử lý thông tin thật nhanh? Hiện tất cả các hệ thống truyền tin đều có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn như Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam vẫn có những khoảng thời gian không phát sóng. Vậy nếu thông tin xuất hiện vào thời điểm mất điện thì người dân tiếp sóng kiểu gì? Mạng di động hoạt động 24/24 giờ, nhưng tại nhiều vùng ven biển, số đông người dân không có điều kiện sử dụng điện thoại di động. Hệ thống đài cảnh báo trực canh có khả năng truyền tin nhanh nhất ở nhiều điều kiện khó khăn, tuy nhiên, đến nay, hệ thống này chưa được xây dựng. Nhiều nhà khoa học và các địa phương góp sáng kiến, trong điều kiện thực tế như hiện nay, phải sử dụng tất cả các hệ thống như phương tiện truyền thông hiện đại như báo, đài, tivi, internet, mạng di động, hệ thống đài trực canh, hệ thống loa phát thanh ở các xã, phường; hệ thống còi hú hoặc pháo hiệu, những phương tiện có tác dụng gây sự chú ý để đưa thông điệp đến người dân ngay lập tức. Nhưng thông điệp của nó phải rõ ràng và được quy ước, phải rõ trách nhiệm, đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin …

 

Loay hoay chuẩn bị ứng phó

 

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, hiện thảm họa về động đất, sóng thần luôn có nguy cơ xảy ra ở nước ta; do vậy tuyệt đối không lơ là, chủ quan tránh hậu quả khôn lường. Các địa phương đều chú ý triển khai quy chế về cảnh báo, ứng phó với động đất, sóng thần của Chính phủ. Tuy nhiên, vì là vấn đề mới, lại chưa có kinh nghiệm ứng phó, nên các địa phương đều lúng túng, loay hoay trong công tác chuẩn bị. Phần lớn vẫn dừng lại ở việc xây dựng phương án theo 25 kịch bản ứng phó của Trung ương. Tuy nhiên, các phương án này chưa được hướng dẫn và triển khai chi tiết, cụ thể. Hệ thống trạm trực canh cảnh báo theo quy định chưa được xây dựng. Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về hai thảm họa này chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương lo ngại rằng, sau những lần "sơ tán hụt", người dân sẽ "nhờn thuốc", và dửng dưng với những cảnh báo của cơ quan chức năng. Việc hướng dẫn và xây dựng các quy chuẩn tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng, diễn tập tình huống đối phó thiên tai chưa được thực hiện bài bản… Việt Nam chưa có lực lượng chuyên nghiệp trong ứng phó với động đất, sóng thần. Các địa phương còn lúng túng trong chuẩn bị “4 tại chỗ” để ứng phó với sự cô.

 

Hoàng Yên

 

Đọc thêm