Trước khi thành danh và trước khi có một bệ phóng để trở thành một ngôi sao với cát sê hàng “khủng” từ 50- 100 triệu đồng, con đường quen thuộc mà các nghệ sỹ thường trải qua là những phòng trà, quán cà phê... và những cạm bẫy mà những người trẻ 18-20 thường lao vào đó như thiêu thân...
Những lọ lem hiện đại
Thời học sinh, T.N là giọng ca vàng của một trường THPT ở Nam Định. Cô đại diện trường, quận đi thi các giải văn nghệ quần chúng của ngành, của TP và đoạt nhiều giải. Thế rồi, tình cờ một người bạn đang học ở Học viện Âm nhạc Hà Nội đã tìm thầy để cô luyện thi vào cùng trường với mình.
Tham gia các cuộc thi âm nhạc là con đường nhiều bạn trẻ lựa chọn trên bước đường vươn tới một ngôi sao... |
Ngoài cả mong đợi, cô có chất giọng tốt và một ngoại hình khá xinh xắn, cô được những người thầy là nghệ sỹ tên tuổi rất gần với mình từ những cuộc thi Sao mai điểm hẹn như A.T, L.A trực tiếp giảng dạy.
Tuy nhiên, theo T.N, điều cô ngạc nhiên khi bắt đầu bước chân ra chốn đô thành, đó là ở một lớp thanh nhạc như của cô có khoảng 30 sinh viên thì chỉ có khoảng 10 người là có năng khiếu thực sự, 10 người sau ở mực trung bình và 10 người còn lại là các cậu ấm cô chiêu đi học cho vui trên bước đường vươn tới một ngôi sao...
Không xuất thân từ những gia đình có điều kiện hay truyền thống về nghệ thuật, vì kinh tế khó khăn và cũng vừa là niềm đam mê, cô bắt buộc phải tự lập, nên khi bắt đầu vào ký túc xá, cô thường phải nhờ vả các đàn chị dắt đi hát sô tại các phòng trà, quán cà phê. Dù cô có chất giọng trong tốp 10 và khả năng biểu diễn tự tin trên sân khấu, nhưng cô không thể quên những ngày đầu ngơ ngác, lúc nào cũng lo các đàn chị phật ý không cho đi hát cùng. Cũng như những ca sĩ khác, T.N bắt đầu từ những phòng trà nhỏ, những nhà hàng, những chương trình hội diễn, kỷ niệm của cơ quan, công ty…
Những ngày đầu cô đi hát, mức cát xê chỉ xấp xỉ 150.000- 200.000 đồng cho 3 bài. Thậm chí, để “lấp giờ” cho những đồng nghiệp chạy show không đến kịp, nhiều khi ca sĩ phải cố hát thêm vài bài, nhưng thù lao "nguyễn y vân". Theo luật bất thành văn trong giới, chuyện hát thêm này được coi như “phí xã giao” với chủ quán mà thỉnh thoảng người hát phải thực hiện để giữ mối làm ăn lâu dài.
Thời gian làm việc của ca sĩ hát quán thường bắt đầu từ 20h30 cho đến 22h30, vì vậy phải may mắn và tranh thủ lắm, họ mới chạy show 3 quán khác nhau trong một đêm. Thông thường, họ chỉ có thể tác nghiệp được ở 1 hoặc 2 quán và chỉ đi hát khoảng 2-3 ngày trong tuần, chủ yếu các ngày cuối tuần. Do vậy, thu nhập trung bình của giới này chỉ vào khoảng 3-5 triệu/tháng.
Tuy nhiên, với một sinh viên bước ra từ làng quê thì những ngày đầu như vậy cũng đã tạm ổn. Thế rồi, dần dần, nhờ giọng hát của mình, cô đã có những mối làm ăn riêng, không còn phải khóc lóc theo các đàn chị. Hiện tại mức cát sê của cô đã lên tới 1 triệu, hàng tháng cô chịu khó đi nhận sô thu nhập cũng tăng lên vài chục triệu tháng. Cô nói, so với mọi người trong gia đình, cô thấy mình thật may mắn cho sự tình cờ này, phía trước đã có một vài đoàn nghệ thuật mời cô về sau khi tốt nghiệp.
Được và mất
“Nam ca sĩ chỉ tốn tiền xăng xe, quần áo, giày dép khi lên sân khấu, còn chị em phụ nữ khi đi hát phải tốn thêm chi phí son phấn, làm móng tay và các phụ kiện, trang sức khác”- N.V, một ca sỹ của Học viện Âm nhạc chia sẻ.
Còn T. N cho biết, sau 4 năm đi hát phòng trà, cô thấy mình đã khác và già đi nhiều so với tuổi đôi mươi của mình. Đôi khi cô thấy kiếm tiền cũng dễ và những cạm bẫy thì cũng quá nhiều. Cô nói, cũng may là cô đã xác định được đâu là giá trị khi có người yêu ở bên mình, đó chính là người đã dẫn cô vào con đường nghệ thuật để không bị lao vào vòng xoáy người đẹp và đại gia. Mặc dù, lắm khi nghe bạn bè toan tính này nọ cô cũng thấy nản lòng.
Một số người bạn cùng lớp của cô sau khi bứt phá từ bệ phóng của các đại gia đã tách ra bứt phá khá nhanh từ các cuộc thi như Việt Nam Idol, Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Tiếng ca học đường, Giọng hát hay trên sóng phát thanh, Ngôi sao tiếng hát truyền hình… với hy vọng chạm ngõ làng âm nhạc Việt Nam một cách “chính quy”.
Cô rèn luyện hằng ngày, từ luyện âm đến động tác múa, thể hình. Nhưng cô nhận ra rằng để vươn lên hát ở những sân khấu lớn, chuyên nghiệp, được lên tivi, được ra album nhạc... thì một điều đơn giản là ngoài tài năng phải có tiền. Tiền bỏ ra để tự lăng xê mình. Tất nhiên phải rất khéo léo.
Cũng có nhiều ca sĩ chuyên cần tập luyện thanh nhạc và tích cực tham gia các cuộc thi âm nhạc với hy vọng khi đoạt giải, tiền catse sẽ tăng theo danh tiếng. Tuy nhiên, không ít người “học đã sôi kinh nhưng chửa chín”. T.V, một ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh chua chát nhớ lại: “Tôi luôn bị loại ngay vòng đầu tại các cuộc thi âm nhạc. Sau này, mới biết rằng những bạn ấy đang theo học thanh nhạc của các ca sĩ danh tiếng...”
Nhiều người trong giới vẫn nhắc nhau “không thân thế cũng đừng thế thân”, như một lời cảnh tỉnh ca sĩ trẻ mới vào nghề. Biết thế nhưng nhiều con “thiêu thân” vẫn bất chấp lao vào vì không cưỡng lại được hấp lực từ thế giới hào nhoáng của showbiz và những hứa hẹn về một cuộc sống xa hoa.
Và khi đã có chỗ đứng của mình rồi thì mức cát sê của những ca sỹ hát nhạc đỏ hàng đầu được đào tạo chính thống như T.T, A. T... cũng chỉ ở mức 7-8 triệu ở Hà Nội; 20-25 triệu nếu đi xa, một trời một vực so với những ngôi sao thị trường như Đ.V. H, M.T 100 triệu đồng; P.L, H.Q.H 40-45 triệu đồng, H.N.H 60 triệu đồng...
Phía sau ánh hào quang sân khấu là những nước mắt, nụ cười và những "con thiêu thân" 18, đôi mươi tự nguyện lao vào quầng sáng bỏng rẫy và ma mị của nghệ thuật… Nhìn T.N và cùng cô đi trên một hành trình dài xuyênViệt, tôi mong cô sớm tìm được chỗ đứng của mình. Bởi lẽ, những "con thiêu thân" đang tuổi thanh xuân, đầy mộng mơ trước hào quang của sự nổi tiếng, mà chưa thể tỉnh táo để ngộ ra rằng: quầng sáng ảo ảnh kia có thể sẽ bắt lửa và thiêu cháy chính mình…
Nguyệt Thương