Mộng ước hồi sinh…!
Ngày nay, với những kỹ thuật tiến bộ vượt bậc về bảo quản xác trong phòng lạnh, đặc biệt là các kỹ thuật siêu đẳng trong bảo quản mô, kết hợp với công nghệ gen, di truyền… đã khiến cho mộng hồi sinh của con người càng cao hơn. Đó cũng là lý do thúc đẩy hàng ngàn người có điều kiện ở các quốc gia phát triển trên thế giới thực hiện việc bảo quản xác của người thân chờ cơ hội… được sống lại.
Mơ ước hồi sinh đó được lưu truyền trên các trang mạng xã hội và đã lan tỏa sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy hiện thực đó vẫn rất xa vời nhưng ở một góc độ nào đó, với những hoàn cảnh nào đó, không ít người dân Việt Nam đã thắp lên niềm hy vọng vào giấc mộng vô cùng đẹp đẽ này.
Bằng chứng là khi được hỏi, hầu hết các bệnh nhân đang điều trị ung thư ở Bệnh viện K Trung ương đều có chung quan điểm: Đó là một tia hy vọng và cũng là cơ hội cho những người có điều kiện nhưng chẳng may mắc bệnh trọng. Đặc biệt, nó giúp những người bệnh lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào những tiến bộ của khoa học, y học, và họ tin rằng một ngày nào đó, tất cả những người mắc bệnh hiểm nghèo cũng sẽ được cứu chữa và mọi giấc mơ đều có thể trở thành sự thực khi khoa học phát triển!
“Theo tôi, đây là một điều rất thú vị. Tôi cũng rất tin tưởng vào những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ. Những tiến bộ, thành tựu về y học trong nước cũng như thế giới cho phép chúng ta tin vào hiện thực này. Nếu có điều kiện, tôi cũng sẽ làm như vậy!” – anh Bùi Anh Tuấn (45 tuổi), một bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối đang xạ trị tại Bệnh viện K chia sẻ…
Bàn về tính tích cực của khát vọng này, bác sỹ Nguyễn Tiến Thành, Tổng Công ty Than Đông Bắc cũng cho rằng: “Xét trên phương diện tích cực, niềm tin hay khát khao sống của con người là một động lực quan trọng thúc đẩy con người tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực y học. Bất kỳ một ngành khoa học nào cũng không thể có được bước nhảy vọt nếu không có sự khát khao, thúc đẩy và quan trọng hơn là những thử nghiệm mang tính mạo hiểm”.
Cũng theo bác sỹ Thành, khoa học đã đem lại nhiều điều thần kỳ cho con người mà trước đó những ý tưởng như thế chỉ có trong trí tưởng tượng. Bởi vậy, “chúng ta có quyền hy vọng về tương lai, khi y học có những phát kiến nhảy vọt sẽ giúp con người đạt được mơ ước về kéo dài sự sống và giải quyết được các vấn đề bệnh tật. Vì vậy, việc ướp xác đông lạnh, trên khía cạnh nào đó cũng sẽ cung cấp cho khoa học những thực nghiệm bổ ích…”.
|
Giấc mơ ướp xác để hồi sinh đã có từ rất lâu trong lịch sử nhân loại. |
Không tưởng và phi khoa học?!
Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Tiến Thành, đây là một vấn đề rất khó về mặt y học. Bác sỹ Thành phân tích, chúng ta không thể tư duy đơn giản rằng ướp lạnh một cơ thể đợi đến một thời điểm nào đó thì tái khởi động lại sự sống của cơ thể đó, bởi thể sinh học là một cấu trúc vô cùng phức tạp, với công nghệ hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cũng như chưa bào chế ra một dung dịch nào có thể bảo quản đông lạnh tế bào, sau đó “rã đông” thì tế bào vẫn hoạt động trở lại bình thường. Chúng ta có thể bảo quản tế bào, giúp cho tế bào không bị phân hủy trong môi trường đông lạnh hoặc môi trường dưỡng chất dịch thể.
Tuy nhiên, trong môi trường đông lạnh thì mọi hoạt động trao đổi chất, các chu trình sinh học trong tế bào sẽ bị “đóng băng”. Việc kích thích tế bào hoạt động trở lại sau khi thoát ly môi trường đông lạnh là một thách thức thực sự, cần có nghiên cứu và bước nhảy vọt về công nghệ.
Đó là nói về mặt tế bào, còn với một cơ thể sinh học, đặc biệt là cơ thể người, theo ông Thành, mọi chuyện còn phức tạp hơn rất nhiều. Ngay như về não bộ của con người, hiện nay y học cũng chỉ hiểu biết cực kỳ hạn chế về não bộ và hoạt động của nó. Việc đóng băng một bộ não sau đó giúp nó hồi phục lại đã cực kỳ khó, việc nó khôi phục lại như trước lúc đóng băng lại là một câu hỏi chưa thể giải đáp, ít nhất là thời điểm hiện tại.
Do đó, “phương pháp ướp xác chờ tái sinh chỉ là hy vọng của thiểu số nhóm nhỏ người có điều kiện về tiền bạc, tin vào sự thần kỳ của khoa học…” .
|
Bé gái Matheryn Naovaratpong ở Thái Lan bị u não, được gia đình cho làm đông lạnh xác để chờ hồi sinh. |
Còn theo quan điểm của ông Phạm Văn Nghĩa, Trường Đại học Luật Hà Nội, ướp xác hồi sinh là một vấn đề quá mới với Việt Nam, quy trình phức tạp cũng như liên quan đến nhiều vấn đề: Luật pháp, phong tục tập quán, điều kiện, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người Việt Nam. Theo ông Nghĩa, đây là nhu cầu chính đáng của con người, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải thận trọng tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin, sự kiện trước khi quyết định ứng dụng trào lưu này để có định hướng, điều chỉnh đúng đắn các quan hệ xã hội phát sinh…
Đặc biệt, theo ông Nghĩa, nếu giấc mơ này trở thành hiện thực, chúng ta phải đặt ra rất nhiều câu hỏi: Nếu được làm, xác ướp sẽ được lưu giữ ở đâu? Những quy trình nào sẽ được áp dụng trong quá trình ướp xác, trường hợp bị sự cố (xác bị hư hỏng gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật…) thì xử lý như thế nào?