USD lại "chộn rộn" vì lãi suất

Dù lượng kiều hối chuyển về năm 2010 tăng hơn 25% so với năm 2009 nhưng từ cuối tuần qua, đồng USD trên thị trường tự do vẫn “ngược dòng” tăng. Giá USD giao dịch trên thị trường tự do tại TP HCM cuối tuần trước đến nay xoay quanh ngưỡng 21.110 đồng một USD.

Dù lượng kiều hối chuyển về năm 2010 tăng hơn 25% so với năm 2009 nhưng từ cuối tuần qua, đồng USD trên thị trường tự do vẫn “ngược dòng” tăng. Giá USD giao dịch trên thị trường tự do tại TP HCM cuối tuần trước đến nay xoay quanh ngưỡng 21.110 đồng một USD.

Lãi suất USD chạm 5,2% một năm

Theo giới kinh doanh đồng bạc xanh, người đến mua USD những ngày qua tăng so với cuối tháng 12/2010 có thời điểm lên đến 20 lần. Nhân viên cửa hàng Nguyễn Vũ (quận 1), cho biết, số giao dịch mua tăng mạnh, nhưng người mang đến bán ít. “Năm trước, nhiều mối quen có kiều hối đều đưa đến chỗ chúng tôi đổi, nhưng năm nay giảm khoảng 1/3, nguồn cung USD vì thế cũng ít hơn”. Xác nhận thực tế này, chị Thúy, cửa hàng chuyên thu đổi ngoại tệ Kim Dung (quận 1), nói: “Nhiều người còn kỳ vọng giá USD lên nữa và họ đi gửi ngân hàng chứ không bán vì lãi suất huy động USD đang tăng lên”.

Lượng kiều hối năm 2010 chuyển về hơn 8 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2009.
Lượng kiều hối năm 2010 chuyển về hơn 8 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2009.


Thực tế, lãi suất huy động USD ở nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh từ cuối tháng 12/2010. Ngân hàng Á Châu (ACB) điều chỉnh lãi suất USD từ ngày 31/12, tập trung nâng ở kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng, tương ứng từ 4,1% và 4,9% một năm. Kỳ hạn cao nhất là 3 tháng, với lãi suất 4,7 – 4,9%. Eximbank cũng chính thức điều chỉnh lãi suất USD, để “không thua bạn kém bè” từ ngày 7/1/2011. Mức gửi dưới 5.000 USD kỳ hạn 1 - 6 tháng có lãi suất cao nhất là 4,80% một năm. Cũng như các ngân hàng khác, số tiền gửi càng cao thì lãi suất gửi càng hấp dẫn, Eximbank dành mốc lãi suất đỉnh 5% một năm cho khách hàng gửi 300.000 USD trở lên, ở kỳ hạn 3 và 6 tháng. Ngân hàng này còn “ưu đãi” thêm 0,2% cho các khách hàng gửi USD... trên 50 tuổi. Đây được cho là một cách “hút” những người có kiều hối đến gửi tiền.

Tác động tiêu cực lên thị trường

Theo thống kê của Vụ Quản lý Ngân hàng Nhà Nước, lượng kiều hối năm 2010 chuyển về hơn 8 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2009. Riêng TP HCM, lượng kiều hối chuyển về đạt 3,8 tỷ USD. Với thực tế này, các ngân hàng tìm cách để thu hút nguồn ngoại tệ qua kênh kiều hối, cũng là điều tất yếu.

Nhưng, có phải “động thái” nâng lãi suất huy động USD lên đã đẩy giá USD trên thị trường tự do “đang bình ổn” dưới 21.000 đồng một USD vượt qua mức này nhanh chóng? Theo tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, việc giá USD trên thị trường tự do tăng những ngày qua có một phần từ giá vàng thế giới rớt. Nhưng phần nhiều có nguyên nhân từ những sai biệt của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. “Giá vàng trong nước đang sai biệt so với thế giới gần cả triệu đồng mỗi lượng, nên người ta mua USD để nhập vàng, dẫn đến giá USD lên”, ông Ngân giải thích.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TP HCM) cho rằng, yếu tố cung cầu USD đã khiến giá USD những ngày qua liên tục tăng lên. Cả lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng lên trong năm 2010 và giá USD trên thị trường tự do lên cao, đều có một phần nguyên nhân từ lãi suất. Lãi suất gửi USD cao đã khiến kiều hối đổ về mạnh. Nhưng trong số kiều hối đó, một phần gửi về không phải để đầu tư lãi suất mà gửi cho người thân. Nhưng thấy lãi suất huy động USD tăng lên 5% một năm, những người thân này… sẽ mang đến ngân hàng để gửi và nguồn cung USD thực tế vẫn ở trong các ngân hàng. Đó là lý do vì sao cuối năm 2010, lượng kiều hối đổ về mạnh mà USD đứng ở mốc 21.000 đồng một USD. Nhưng ngay khi có những điều chỉnh về lãi suất, giá USD ngay lập tức tăng. Trên thực tế, những lo ngại lạm phát đã khiến người có USD không “đổ” USD ra các thị trường khác, mà tìm đến chênh lệch về lãi suất.

24H

Đọc thêm