(ĐNĐT) - Hàng loạt chính sách ưu đãi được Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng áp dụng nhằm thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho một bệnh viện phi lợi nhuận
Một công trình của cộng đồng, phi lợi nhuận
PGS.TS Nguyễn Hữu Toàn tự nguyện về tham gia xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. |
Thật khá bất ngờ khi được biết PGS.TS chuyên ngành huyết học, truyền máu Nguyễn Hữu Toàn năm nay chỉ mới 47 tuổi. Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng anh đã tự nguyện rời một trong những trung tâm y tế hàng đầu khu vực miền Trung là Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y khoa Huế để vào Đà Nẵng cách đây 1 năm theo diện thu hút nhân tài, hiện là Phó Ban Quản lý dự án Bệnh viện Ung thư (BVUT) Đà Nẵng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Toàn tâm sự: “Tôi tin rằng BVUT Đà Nẵng có rất nhiều điểm ưu việt, có cơ chế để cán bộ, công nhân viên phát huy tối đa năng lực và tâm huyết phục vụ bệnh nhân ung thư ở khu vực miền Trung vốn phải gánh chịu nhiều nỗi đau mất mát do chiến tranh, thiên tai, bệnh tật… nhưng từ trước đến nay chưa hề có được một bệnh viện chuyên ngành ung thư để chữa trị”.
Hiện mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện nhưng khả năng của hai BVUT ở Hà Nội và TP.HCM chỉ đáp ứng chừng 30% nhu cầu. Riêng ở miền Trung, do chưa có BVUT chuyên ngành nên hầu hết bệnh nhân phải đưa đi hai đầu đất nước để điều trị, rất tốn kém. Ngay tại Khoa Ung bướu (BV Đà Nẵng) cũng thường xuyên quá tải từ 200 – 300% nhưng do chưa đủ điều kiện áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến nên bệnh nhân cần xạ trị vẫn phải đưa đi các trung tâm chuyên khoa ở xa khi bệnh đã vào giai đoạn cuối nên thường là không cứu chữa được nữa.
Trước nhu cầu bức xúc đó, lãnh đạo Đà Nẵng quyết tâm xây dựng BVUT để giúp người bệnh ở miền Trung được chẩn đoán sớm, cứu chữa kịp thời ngay tại chỗ. BV đặt mục tiêu triển khai tốt các biện pháp tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư, điều trị toàn diện với hiệu quả cao và điều kiện chăm sóc tốt. Xa hơn nữa, phấn đấu trở thành Viện nghiên cứu các chương trình khoa học công nghệ, đào tạo và hợp tác quốc tế về chuyên ngành ung thư.
Được khởi công xây dựng tháng 3-2009, BVUT Đà Nẵng dự kiến khánh thành đưa vào hoạt động vào tháng 3-2012. Đây không chỉ là BVUT đầu tiên ở miền Trung mà còn là BV chuyên ngành ung thư đầu tiên ở Việt Nam và có lẽ hiếm có trên thế giới bởi vì “không phải BV công, cũng chẳng phải BV tư, mà là một công trình của cộng đồng, hình thành và duy trì hoạt động trên cơ sở xã hội hóa và phi lợi nhuận”.
Ngoài 15ha đất do UBND thành phố Đà Nẵng cấp tại phường Hòa Minh, toàn bộ kinh phí 850 tỷ đồng để xây dựng, trang bị máy móc, thiết bị khám, điều trị đều do vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước. Kể cả nguồn kinh phí hoạt động của BV cũng không dựa vào ngân sách nhà nước. Ngược lại, BV còn áp dụng cơ chế giảm 30 – 50% viện phí cho bệnh nhân ung thư thuộc diện nghèo và miễn hoàn toàn viện phí cho bệnh viện thuộc diện đặc biệt nghèo.
Định hướng của BV này rõ ràng là rất tốt đẹp, nhưng để thu hút được nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu chuyên môn như nêu trên không phải là chuyện dễ, nhất là trong điều kiện BVUT Đà Nẵng hoạt động chủ yếu với mục đích từ thiện, bệnh nhân ung thư lại thường là những người đã cạn kiệt từ tinh thần đến sức khoẻ lẫn tài chính nên nguồn thu của BV này khó có thể bằng các BV khác, dẫn tới thu nhập của cán bộ, công nhân viên có thể cũng sẽ hạn chế theo.
Các chính sách đặc biệt thu hút nguồn nhân lực
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, BVUT Đà Nẵng do “không phải BV công, cũng chẳng phải BV tư” nên có thể chọn lọc, áp dụng nhiều điểm ưu việt của các BV công lẫn tư, đặc biệt là các chế độ ưu đãi nhằm tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực. Ông đảm bảo thu nhập của y, bác sĩ tại đây sẽ không thua kém các BV lớn ở Đà Nẵng dựa vào các chính sách quản lý và phát triển BV tốt. Chưa kể, do là BV phi lợi nhuận nên họ còn có thể được hưởng nhiều lợi ích khác, nhất là đào tạo nâng cao tay nghề thông qua các chương trình hợp tác quốc tế.
Phối cảnh Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đang được khẩn trương xây dựng. |
Bác sĩ Trịnh Lương Trân, Trưởng Ban Quản lý dự án BVUT Đà Nẵng, cho hay, thời ông còn làm Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cách đây vài năm, tỷ lệ cán bộ y tế/người dân ở Đà Nẵng thuộc nhóm cao nhất nước, nhưng tỷ lệ bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên ngành ung thư/người dân thì lại thấp nhất nước. Với BVUT Đà Nẵng, yêu cầu đặt ra là lực lượng “nền” phải là đội ngũ bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ, tiến sĩ… nên việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực càng trở nên cấp bách.
Vì vậy, cùng với đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện BVUT Đà Nẵng đang khẩn trương triển khai chiến lược thu hút, đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng 330 – 340 cán bộ, nhân viên ngay sau khi BV khánh thành, đi vào hoạt động và sẽ nâng lên 600 người khi BV đạt đến quy mô 500 giường.
Hàng loạt chính sách đặc biệt so với nhiều BV khác được BVUT Đà Nẵng áp dụng như: Bác sĩ mới ra trường được hưởng 100% lương khởi điểm của chức danh bác sĩ chứ không qua thời gian hưởng lương tập sự. Bác sĩ đang làm việc trong các cơ sở y tế khác khi về đây được xếp lương theo thời gian đã công tác (chứ không phải bắt đầu lại từ đầu), tăng lương theo thang lương Nhà nước, có thể ưu tiên tăng lương trước thời hạn.
Bác sĩ được cử dự thi chuyên khoa 1 nếu đậu sẽ được đài thọ toàn bộ kinh phí đào tạo tại Hà Nội, TP.HCM, được trợ cấp sinh hoạt phí, tiền tàu xe, tiền thuê nhà ở, được hưởng nguyên lương và các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế. Nếu thi năm đầu chưa đậu vẫn được làm việc tại BV và được dự thi thêm 1 năm nữa. Căn cứ vào khả năng và sự cống hiến, các bác sĩ ở đây sẽ còn được cử đi nước ngoài đào tạo để phục vụ cho các mục tiêu dài hạn…
Trước mắt, trong hai năm 2009 - 2010, BVUT Đà Nẵng tuyển dụng 40 bác sĩ (dưới 30 tuổi đối với bác sĩ, dưới 35 tuổi đối với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, chủ yếu chuyên về ung thư và các ngành nội, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, truyền máu) để đào tạo chuyên khoa dài hạn 1 – 2 năm. Riêng 15 người được tuyển dụng trong năm 2009 (hạn cuối nộp hồ sơ là 30-9) được xác định sẽ là “bộ khung” cho sự phát triển của BV, bởi đây là những “viên gạch” đầu tiên.
Chung tay góp sức từ nhiều nguồn
Bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên đại biểu Quốc hội, Thường trực Ban vận động tài trợ xây dựng BVUT Đà Nẵng, cho hay, xuất phát từ những mục tiêu tốt đẹp của BV này, thời gian qua BV đã nhận được rất nhiều sự đóng góp của tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước. Chỉ sau hơn 1 năm phát động, đến nay số kinh phí đăng ký và cam kết ủng hộ cho BVUT Đà Nẵng đã lên đến 350 tỷ đồng.
Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã có được sự chung tay góp sức từ nhiều nguồn |
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh cuối tháng 8 vừa qua, ông Toyoharu Tsutsui, Chủ tịch Hiệp hội Quỹ Văn hóa Việt - Nhật và ông Takeo Sekihara, Giám đốc điều hành Hiệp hội Ung thư Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ tích cực, đặc biệt đào tạo đội ngũ y bác sĩ cho BVUT Đà Nẵng, đưa các bác sĩ ung thư hàng đầu ở Nhật Bản sang công tác tình nguyện để nâng BV này lên tầm khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ dừng lại việc điều trị cho người dân Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên.
Trước đó, tại cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Im Hong-jae cũng cam kết sẽ truyền đạt đầy đủ, chính xác thông tin về BVUT Đà Nẵng đến Chính phủ, các cơ sở y tế và các doanh nghiệp Hàn Quốc để có sự hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực... kịp thời, hiệu quả cho BV này.
Trung tâm Y khoa Cedars – Sinai, chuyên về quy hoạch, thiết kế và xây dựng các cơ sở y khoa hàng đầu ở Hoa Kỳ, khi hay tin về BVUT Đà Nẵng đã tự nguyện gửi qua hỗ trợ 93 chiếc giường bệnh (trị giá mỗi chiếc giường lên đến 25.000USD). Mới đây, lãnh đạo trung tâm này đã trực tiếp sang khảo sát việc xây dựng BVUT Đà Nẵng và quyết định đến cuối năm 2009 sẽ gửi tặng thêm 100 chiếc giường nữa…
“Với những sự chung tay hỗ trợ hết sức thiện chí đó, tôi tin rằng BVUT Đà Nẵng sẽ được xây dựng và phát triển hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ tốt đẹp đã đề ra. Riêng về lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực, mọi chính sách ưu đãi dù hiện tại có ưu việt đến mấy thì theo thời gian cũng sẽ bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, bổ sung. Điều quan trọng nhất là tâm huyết của các y, bác sĩ muốn được góp tay xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân ung thư. Đó mới là gốc rễ sâu bền nhất”, bà Nguyễn Thị Vân Lan nói.
Cẩm An