Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho biết, Báo cáo kinh tế toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam tương đối thấp, đạt 3,1/7 điểm, đứng thứ 96/140 nước. Vì vậy, Nghị quyết 02 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần về nâng xếp hạng chỉ số B1 lên từ 5 – 10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02, đồng thời khẩn trương xây dựng dự thảo Tài liệu hướng dẫn. Theo Kế hoạch, Cục đã tích cực làm việc với một số cơ quan, đơn vị liên quan để tìm hiểu cách thức đánh giá của WEF, xây dựng bước đầu dự thảo Tài liệu hướng dẫn. Qua đó, Cục được biết năm 2019, WEF sẽ có 3 câu hỏi khảo sát online đối với các doanh nghiệp (DN) là: phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế; cơ quan, DN thích nghi với những chính sách có khó khăn hay không; việc DN trả chi phí ngoài quy định PL để đạt được mong muốn trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, lợi ích công cộng (điện thoại, điện tín, điện năng), thuế phí có làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật không.
Đối với dự thảo Tài liệu hướng dẫn, Cục dự kiến chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm: chi phí tuân thủ các yêu cầu của cơ quan nhà nước; chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC); chi phí rủi ro pháp lý (nếu có); chi phí không chính thức. Đồng thời, dự kiến một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 như tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế; tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng DN; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các DN; tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của DN, thực hiện thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật và khen thưởng trong tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu chia sẻ, chỉ số B1 là chỉ số khó. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao về chỉ số Gia nhập thị trường mà nếu sửa đổi quy định pháp luật có thể giảm được vài bước cho DN nhưng chỉ số B1 đòi hỏi sự tổng hợp và đồng ý trước mắt chỉ tập trung giảm chi phí tuân thủ cho DN bởi chỉ số B1 ảnh hưởng cả DN lẫn công dân. Về dự kiến một số chi phí tuân thủ, ông Hiếu băn khoăn với chi phí rủi ro pháp lý và chi phí không chính thức vì sẽ khó có được báo cáo về 2 chi phí này.
Đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Pháp chế Phạm Ngọc Thạch cho rằng, dự thảo Tài liệu hướng dẫn cần nêu được chỉ số B1 đánh giá cái gì (ở đây là đánh giá của DN về gánh nặng tuân thủ pháp luật với thang điểm từ 1 – 7 là như thế nào); tại sao chỉ số này liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc gia để nhận thức rõ tầm quan trọng của nó; chỉ rõ thông tin thu thập từ đâu. Với một số giải pháp, theo ông Thạch, cần đánh giá mục tiêu, gánh nặng tuân thủ mà DN gặp phải; thúc đẩy sự chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước; sẽ cắt giảm chi phí cụ thể nào trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành…
Luật sư Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự) quan niệm, căn cứ cách đánh giá của WEF, Việt Nam có thể tác động để nâng xếp hạng được, bằng cách chọn lĩnh vực ưu tiên có thể nâng được (như thuế vì theo đánh giá của DN năm 2018 lĩnh vực này đã được cải thiện, một số ý kiến đề nghị chọn lĩnh vực công thương hoặc tập trung vào những lĩnh vực mà câu hỏi của WEF đặt ra). Ông Quang cũng gợi ý Bộ Tư pháp cần có kế hoạch hành động ngay cho các đơn vị thuộc Bộ như trong thẩm định có thể chủ động đưa luôn việc đánh giá tuân thủ pháp luật vào các nội dung thẩm định khi xây dựng chính sách, văn bản pháp luật; triển khai trong một số hoạt động của mình như lĩnh vực thi hành án để truyền thông, tạo sự lan tỏa ra bên ngoài.