Ưu tiên phổ biến pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số

(PLO) - Ngày 10/1/2003, Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN) đã ký Chương trình phối hợp số 14/CTPH-BTP-HLHPNVN về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017. 
Chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2022 vừa được 2 ngành ký kết.
Chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2022 vừa được 2 ngành ký kết.

Sau 5 năm triển khai Chương trình đã đạt nhiều kết quả. Đặc biệt nhiều hình thức đưa pháp luật đến gần hơn với phụ nữ đã phát huy tác dụng trên thực tiễn.

Theo Bộ Tư pháp, việc phối hợp triển khai Chương trình được thực hiện thông qua nhiều hình thức phù hợp với thực tế từng địa phương. Trong đó nhiều hình thức được đánh giá hiệu quả như tuyên truyền pháp luật qua hội nghị phổ biến trực tiếp; thông qua phương tiện truyền thông, cấp phát tài liệu, hòa giải cơ sở, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…

Đặc biệt, để pháp luật đến gần hơn với đối tượng thụ hưởng, nhiều địa phương đã vận dụng những cách làm mới, sáng tạo như, tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật lồng ghép với hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL). Những người tham gia vừa được phổ biến các chính sách pháp luật mới, đồng thời nếu có vướng mắc về pháp luật sẽ được giải đáp trực tiếp. Hình thức này vừa kiệm thời gian, chi phí (được tư vấn tại chỗ mà không phải đến Trung tâm TGPL). Mô hình này hiện đang phát huy nhiều hiệu quả ở tỉnh Hà Nam. 

Hay như ở Hải Phòng, kết hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật, hỗ trợ hôn nhân và gia đình để tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình cho phụ nữ. Ở Hà Giang, Quảng Bình, Nghệ An có mô hình “Tiếng kẻng bình yên” cũng góp phần tuyên truyền, hóa giải những mâu thuẫn hàng ngày ở các thôn, làng. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ phụ nữ dân tộc với công tác tuyên truyền pháp luật, nhiều tỉnh miền núi, Tây Nguyên đã sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ phụ nữ là người dân tộc ít người, người có tôn giáo thực hiện việc tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong người dân tộc thiểu số.

Cùng với sự phối hợp chặt chẽ ở Trung ương, việc thực hiện TGPL cho phụ nữ cũng được quan tâm thực hiện ở cấp địa phương. Các Trung tâm TGPL đã lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống mua bán người; phòng chống xâm hại tình dục trong các hoạt động truyền thông về TGPL hoặc thông qua các hoạt động TGPL lưu động (trung bình hàng năm, các trung tâm tổ chức từ 10-20 đợt), hay thông qua các Câu lạc bộ TGPL để trợ giúp các vụ việc cụ thể đã góp phần đảm bảo kịp thời quyền lợi ích hợp pháp cho chị em. Để tránh việc phổ biến pháp luật một cách dàn trải, sơ cứng, các Trung tâm TGPL cùng với hệ thống chi nhánh đặt tại cơ sở đã phối hợp với HLHPNVN các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu TGPL nhằm xác định đúng lĩnh vực phụ nữ cần để phổ biến, tư vấn pháp luật. 

Các Sở Tư pháp cũng hỗ trợ tạo điều kiện cho các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội LHPNVN cấp tỉnh được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Hai ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, qua đó nâng cao chất lượng người làm công tác tư vấn pháp luật. Nhờ tính chủ động, sáng tạo không ngừng từ các địa phương mà nhiều mô hình tư vấn pháp luật đã bước đầu có hiệu quả như mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng” tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, mô hình phối hợp tuyên truyền TGPL lưu động ở Bắc Giang…

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra những hạn chế như vẫn còn 16/63 tỉnh, thành phố chưa ký kết chương trình phối hợp, công tác lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật vẫn còn hình thức, số vụ việc TGPL miễn phí cho phụ nữ bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng còn thấp so với yêu cầu thực tế…

Mới đây, Bộ Tư pháp và Trung ương HLHPNVN đã ký Chương trình phối hợp thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật, TGPL, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018- 2022. Bộ Tư pháp cho biết một trong những giải pháp để triển khai thực hiện Chương trình này sẽ ưu tiên phổ biến pháp luật, TGPL, tư vấn pháp luật cho phụ nữ tại các địa bàn xa trung tâm, phụ nữ là nông dân, dân tộc thiểu số, phụ nữ ít được tiếp cận thông tin, nữ công nhân lao động nhập cư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… 

Đọc thêm