Thiếu hiểu biết, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số là nạn nhân bạo lực gia đình

(PLO) -Bắt đầu từ ngày 25/11 - Ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, Chiến dịch 16 ngày hành động chống lại bạo lực giới diễn ra trên thế giới. Bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
 
Ngoài lao động vất vả, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số còn là nạn nhân bạo lực gia đình
Ngoài lao động vất vả, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số còn là nạn nhân bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là những vấn đề mang tính chất toàn cầu, để lại hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý không chỉ cho phụ nữ mà cả trẻ em, gia đình và xã hội. Theo kết quả Điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam năm 2015 do Tổng cục Thống kê thực hiện, Vùng DTTS và miền núi chiếm gần ba phần tư diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước. Trong số này, nam giới là 6,72 triệu người, chiếm 50,2%; nữ là 6,66 triệu người, chiếm 49,8%.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm, Việt Nam xảy ra 36.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm trên 80%. Rất nhiều chị em phụ nữ DTTS. Điều đáng nói là trong số 36.000 vụ bạo lực gia đình mỗi năm, có tới 87% nạn nhân bị bạo lực gia đình không tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng. Thậm chí có tới 50% nạn nhân của các vụ bạo lực âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với bất kỳ ai về chuyện mình bị bạo hành. Tuy nhiên, đây mới là kết quả thống kê từ các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân có khai báo hoặc chính quyền phát hiện được do tổn thương nghiêm trọng. Thực tế, con số phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gia đình còn lớn hơn thế. Đặc biệt, tại các bản làng xa xôi ở vùng sâu, vùng xa… 

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia; cờ bạc, nghiện ma túy; thiếu hiểu biết pháp luật… Với đàn ông là người dân tộc, nhiều người có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiềm chế được bản thân, dẫn đến cáu giận vô lối. Bên cạnh đó, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng của tệ nạn hút thuốc phiện, dẫn đến gia cảnh nghèo khó, con cái nheo nhóc… Sau những cơn bực tức, người chồng nghiện ngập, ít học hành lại quay sang “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con.

Một phụ nữ Mông ở xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Chồng chị nghiện rượu từ nhiều năm nay, không có tiền, không có thóc, ngô đổi rượu uống là chồng chửi. Mà có rượu uống say rồi cũng chửi. Thậm chí nhiều hôm vớ được cái gì là dùng cái đó ném vợ con… Khi được hỏi, sao không báo với chính quyền? Chị phụ nữ cho rằng: “Mình là vợ nó, nó đánh mình lại đi kể người khác nghe để người ta cười cho à. Báo chính quyền nhỡ người ta bắt nó thì sao? Rượu vào nó mới đánh, chứ hàng ngày nó vẫn là cha, là chồng mà…”.

Bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cho biết: “Tình trạng bất bình đẳng giới trong đồng bào DTTS diễn ra bức xúc ở một số lĩnh vực chủ yếu như: kinh tế - lao động, giáo dục và đào tạo, y tế… Trong khi 74% hộ gia đình DTTS, nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng thì tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 41%. Tỷ lệ đặc biệt thấp đối với những DTTS phụ hệ 11,3%, mẫu hệ là 21,4%, song hệ là 25%. Sự phân công lao động theo xu hướng gắn với những đặc điểm giới và quan niệm về giới bất lợi cho phụ nữ. Trong kinh tế và phân công lao động, phụ nữ bất lợi hơn, nên thường yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định…”.

Bạo lực trên cơ sở giới cũng là một vấn đề nổi cộm. Bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở gia đình những dân tộc phụ hệ. Theo nghiên cứu, có tới 58,6% phụ nữ DTTS từ 15-49 tuổi tin rằng chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào trong năm lý do: Vợ ra ngoài mà không xin phép, vợ bỏ bê con cái, vợ cãi lại chồng, vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng, vợ làm cháy thức ăn. Trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ Kinh và Hoa chỉ khoảng 28%.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đến năm 2014, vẫn có tới 30,7% phụ nữ DTTS sinh con tại nhà, chỉ có 22,5% phụ nữ DTTS mang thai được làm đủ các kiểm tra khi khám thai. Đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng dân số vùng DTTS còn hạn chế, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao… Thực tế, công tác đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam đang có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, tiến bộ này lại không diễn ra đồng đều trong các nhóm dân số ở Việt Nam. Đến nay, nhiều phụ nữ DTTS vẫn chưa được hưởng lợi từ những biện pháp bảo vệ đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình và Bộ luật Dân sự.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, quá trình nghiên cứu, xem xét 30 chỉ số về chính sách, pháp luật trên 5 lĩnh vực: Giáo dục; bạo lực trên cơ sở giới (tảo hôn), chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình, tiếp cận đất đai (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), cho thấy, pháp luật hoặc chính sách bảo vệ phụ nữ khá nhiều, phủ rộng nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, không có pháp luật, chính sách, biện pháp đặc biệt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em gái DTTS. Trong khi đây là những đối tượng có những đặc thù riêng; dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận chính sách. Đơn cử như: Pháp luật quy định rõ tuổi kết hôn và kết hôn trên cơ sở tự nguyện. Vậy nhưng, với chị em phụ nữ ở nhiều thôn, bản, đợi đủ 18 tuổi mới lấy chồng thì có thể sẽ bị coi là ế, không có người lấy! Hay vấn đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình…, càng xuống đến thôn, bản thì càng bị xem nhẹ, coi như vấn về của gia đình chứ không phải của làng xã. 

Đọc thêm