Ưu tiên thí điểm nhập khẩu, lưu thông sản phẩm thuốc lá thế hệ mới: Nên hay không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Bộ Công Thương mới đây đề xuất cho phép thí điểm nhập khẩu, lưu thông thuốc lá làm nóng như một sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm. Nếu đề xuất được thông qua, đây sẽ là sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đầu tiên được chính thức lưu thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Hạn chế, giảm liều lượng sử dụng và bỏ hẳn hút thuốc. (Nguồn: Trang web CNN Health)
Hạn chế, giảm liều lượng sử dụng và bỏ hẳn hút thuốc. (Nguồn: Trang web CNN Health)

Cần đánh giá tác động đầy đủ

Theo số liệu báo cáo nghiên cứu hành vi sử dụng các sản phẩm chứa Nicotine trong năm 2021 thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường Kantar, có khoảng 280.000 người sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), trong khi đó chỉ có khoảng 28.000 người sử dụng thuốc lá làm nóng (TLLN). Số liệu này cũng phù hợp với báo cáo về tình hình thuốc lá thế hệ mới nhập lậu của quản lý thị trường. Hơn thế nữa, theo một khảo sát điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh thành năm 2020 của Bộ Y tế cho thấy tỉ lệ sử dụng TLĐT đã tăng tới 18 lần…v.v.

Kết quả của một cuộc khảo sát về thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới vào tháng 10/2022 cho thấy, 97% người tham gia khảo sát biết và đã từng tiếp cận sản phẩm TLĐT, trong khi với TLLN, con số này chỉ dừng ở mức 50%. Số liệu này đặt ra câu hỏi việc thí điểm trước TLLN ở thời điểm hiện nay có thực sự hợp lý? Số lượng người biết và dùng TLĐT nhiều hơn đáng kể, song sản phẩm này lại không được đề xuất thí điểm trong thời điểm hiện tại. Việc triển khai thí điểm cho TLLN chỉ phản ánh được một phần nhỏ của thị trường, chưa giải quyết được bài toán toàn diện về nhu cầu người tiêu dùng và thị trường, trong đó có vấn đề nhập lậu, thiếu nhận thức khi tiếp cận các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Trong cuộc họp về chính sách quản lý TLĐT, TLLN diễn ra vào tháng 12/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chia sẻ, hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý thuốc lá của Việt Nam chưa đầy đủ và rõ ràng, và chưa thể áp dụng với các sản phẩm thuốc lá mới. Ông Thuấn cũng đề nghị Vụ Pháp chế Bộ Y tế rà soát, tập hợp lại các ý kiến của các đại biểu sau cuộc họp, từ đó xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu đầy đủ, khách quan về TLĐT, TLLN và đề xuất chính sách quản lý hai loại sản phẩm này ở Việt Nam.

Trong khi đó, tại Tọa đàm “Đề xuất thí điểm Thuốc lá Thế hệ mới: Liệu đã chín muồi?” tổ chức tháng 10/2022, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường Việt Nam chủ yếu là đồ thẩm lậu, chúng ta chưa biết rõ về quy cách, phẩm chất của các sản phẩm này. Cần phải đánh giá tác động một cách toàn diện đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên tất cả khía cạnh tiêu dùng, kinh doanh, con người và cả xuất nhập khẩu.

Tổ chức Hải quan thế giới WCO hiện coi thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới là hai phân nhóm hàng hóa có mã HS (HS Code) riêng biệt. Trong đó, WCO đã tạo ra phân nhóm mới (24.04) cho dung dịch TLĐT và TLLN, biệt lập với phân nhóm 24.02 dành cho thuốc lá điếu hiện thời.

Việt Nam cũng thống nhất và tuân thủ theo WCO, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 31 ngày 8/6/2022 về Danh mục hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam, trong đó đã tạo ra phân nhóm mới 24.04 cho thuốc lá thế hệ mới. Do đó, có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh TLLN theo khung pháp lý hiện hành cho sản phẩm thuốc lá điếu là chưa phù hợp và toàn diện. Thay vào đó, Việt Nam cần xây dựng các quy định tương thích cho dòng sản phẩm mới này.

Văn phòng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Văn bản số 7830 ngày 26/10/2021 và Văn bản số 4861 ngày 17/6/2020 chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của các bộ, Hiệp Hội liên quan, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới (bao gồm TLLN và TLĐT). Có thể thấy, với những khác biệt rõ ràng của thuốc lá thế hệ mới so với thuốc lá truyền thống, việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, riêng biệt theo chỉ đạo của văn phòng Chính phủ là cần thiết.

Cần đánh giá tác động một cách đầy đủ trước khi ra quyết định thí điểm đối với sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người sử dụng và sức khỏe cộng đồng. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã tiến hành nghiên cứu và chỉ ra tiềm năng của thuốc lá thế hệ mới trong việc giảm thiểu tác hại so với thuốc lá điếu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu, thống kê nào đủ xác đáng và uy tín có thể chứng minh được mức độ giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới so với thuốc lá điếu truyền thống.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhận định trong tọa đàm nói trên rằng, luật pháp của chúng ta quy định tiêu chuẩn, tiêu chí của thí điểm là phải có khảo sát, thống kê, đánh giá tác động về mặt lợi và hại của một sản phẩm. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa có thống kê và đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe con người. Việc tổ chức thí điểm về sử dụng và lưu hành thuốc lá thế hệ mới cần được thực hiện cẩn trọng, khách quan.

Thí điểm thuốc lá làm nóng ở thời điểm hiện nay có hợp lý?

Trước thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới ngày càng trở nên phổ biến, trong đó nổi bật nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, cũng có một số ý kiến cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá để đưa thuốc lá thế hệ mới vào diện quản lý ngay, không cần phải tiến hành thí điểm. Tuy nhiên, hiện nay, rào cản là chưa có cơ sở pháp lý, vì thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn khác với thuốc lá truyền thống, chưa nằm trong phạm vi điều chỉnh và không thể được quản lý theo luật thuốc lá hiện hành. Do đó, có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh thuốc lá thế hệ mới theo khung pháp lý hiện hành cho sản phẩm thuốc lá điếu là chưa phù hợp và toàn diện.

Tại thời điểm Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012, trên thị trường Việt Nam chưa xuất hiện các sản phẩm TLĐT, TLLN. Do vậy, Luật chưa có quy định khái niệm dành cho hai sản phẩm thuốc lá mới điển hình ở thời điểm hiện tại này. Việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là tối quan trọng để có thể quản lý chất lượng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng cũng như các đối tượng xung quanh.

Những quy định, yêu cầu kỹ thuật riêng cho thiết bị điện tử làm nóng và những yêu cầu phòng chống cháy, nổ khác cần được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Do đó, chưa nên tính đến việc thí điểm cho đến khi tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đã được ban hành một cách đồng bộ. Song song với việc xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý thuốc lá thế hệ mới, Việt Nam cần xây dựng các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn, có máy móc thiết bị kỹ thuật tương ứng để có thể kiểm nghiệm được các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn... của sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế, tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thuốc lá - đơn vị duy nhất đủ năng lực kiểm nghiệm thuốc lá điếu hiện mới chỉ bắt đầu tìm hiểu được một số chất nhất định trong thuốc lá thế hệ mới, và chưa nghiên cứu về yếu tố công nghệ. Do đó, việc nghiên cứu tác động của sản phẩm đến sức khoẻ người dùng và xã hội Việt Nam (bao gồm các nhà sản xuất, các đối tượng khác chịu tác động,...) là điều cần thiết trước khi đưa sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào thí điểm. Đồng thời, cần có những báo cáo nghiên cứu đánh giá tại các nước đã luật hoá sản phẩm này trước khi áp dụng cho Việt Nam nhằm xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

Thí điểm đồng bộ để có cơ sở so sánh, đối chiếu

Việc thí điểm nhiều sản phẩm cùng loại, tương đồng cũng sẽ giúp có cơ sở để so sánh, đối chiếu hơn so với chỉ thí điểm một sản phẩm đơn lẻ. Do đó, việc lựa chọn thuốc lá làm nóng để thí điểm trước như đề xuất của Bộ Công Thương còn nhiều vấn đề bất cập. Chính sách quản lý (bao gồm Kế hoạch thí điểm) đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới cần được đưa vào cùng một văn bản quản lý, cùng thời điểm và đảm bảo tính minh bạch, toàn diện, đồng bộ, bao trùm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối, các loại thuế liên quan như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng, an toàn đối với người sử dụng và các quy định liên quan khác.

Đầu năm 2023 xử lý vi phạm với 7.200 sản phẩm thuốc lá điện tử

Thượng tá Nguyễn Minh Cương - Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho hay năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra hơn 2.190 vụ, xử lý trên 1.600 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 126.000 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với khoảng 7.200 sản phẩm thuốc lá điện tử.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy TLĐT gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, do đặc tính của sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này khác biệt so với các đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 cho các sản phẩm này.

Đọc thêm