Lần đầu tiên tôi thấy Uyên Linh là trên sân khấu của Soul of Melody (có thể hiểu là "Hồn của giai điệu") - cuộc thi tiếng hát sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội mở rộng đầu năm 2008.
- Uyên Linh chịu ảnh hưởng ca sĩ nào? Điều gì ở họ cuốn hút bạn?
Thần tượng của Linh là Whitney Houston, và là người Linh chịu nhiều ảnh hưởng. Điều đặc biệt tuyệt vời nhất ở cô ấy là lối hát say đắm nhưng không sa đà, buồn bã nhưng không tuyệt vọng. Và Linh phát hiện sự quyến rũ của người phụ nữ sẽ được đánh thức khi họ làm điều mà họ thực sự đam mê. Một điều nữa là phong cách trình diễn của Whitney Houston khiến người xem không thể rời mắt được.
|
- Điều gì thúc đẩy bạn theo đuổi nghề ca sĩ? Mục tiêu bạn muốn đạt tới trong nghề?
Trước tiên, nghề nghiệp nói lên rất nhiều về con người và tính cách của mình. Nghề ca sĩ hay bất cứ nghề gì cũng chỉ là phương tiện để mình góp tiếng nói với đời. Còn mong muốn gì hơn là tiếng nói của mình được mọi người lắng nghe, được đồng cảm! Mục tiêu gần nhất của Linh và với những sợi dây tình cảm đã tạo dựng ban đầu, mình còn giữ vững được lâu dài chừng nào tốt chừng đó.
- Linh từng hát ở một số tụ điểm Hà Nội. Ấn tượng của bạn về thời gian chắc sẽ không bao giờ quay lại này?
Con người ta sống bằng kỉ niệm. Hà Nội đã cho Linh những kỉ niệm đẹp đẽ để thỉnh thoảng tự an ủi lấy mình. Kỉ niệm thì nhiều lắm, nhưng nhớ nhất có lẽ là đêm giao thừa, cũng là sinh nhật xa nhà đầu tiên, nằm trong chăn nghe Happy New Year mà nhớ gia đình kinh khủng.
Còn bây giờ, nằm điều hòa thường xuyên, cũng đắp chăn và nghe Những mùa đông yêu dấu (Đỗ Bảo) mà nhớ Hà Nội kinh khủng (cười).
- Có bao giờ bạn phải chịu sức ép mưu sinh? Bạn giải quyết nó như thế nào?
Gia đình Linh không giàu có, nhưng bố mẹ cũng không để Linh thiệt thòi so với bạn bè, thậm chí còn có phần cưng chiều, vì Linh xa gia đình. Linh cũng đi làm thêm để có thể tự mua sắm, và để biết rằng kiếm ra đồng tiền đã khó, mà quyết định chi tiêu đúng đắn còn khó hơn.
Linh nghĩ rồi đến một lúc, con người ai cũng phải đối mặt với sức ép mưu sinh, nhưng không có chuyện gì là không có cách giải quyết. Sướng khổ tùy tâm, tất cả là do mình mà ra, và "sức ép" lớn hay nhỏ là do chính thái độ của mình quyết định.
- Vì sao ngày đó bạn chọn Hà Nội làm nơi học tập và khởi nghiệp ca sĩ?
|
Học viện Ngoại giao chỉ có cơ sở duy nhất ở Hà Nội nên Linh phải ra Hà Nội. Những tháng ngày sống trong kí túc xá là kỉ niệm quá đẹp mà Linh có được trong đời. Còn chuyện khởi nghiệp ca sĩ, Linh lúc đó 18 tuổi-đã nghĩ đến đâu. Đơn giản chỉ là yêu ca hát, là sống và học tập như bao người. Cái duyên ở đây là tại Hà Nội, Linh may mắn có thêm nhiều người bạn, họ đã ủng hộ và chia sẻ nhiều với Linh về âm nhạc. Việc hát đã đi vào đời sống tự nhiên như không.
- Việc tiếp thu văn hóa và thẩm mỹ của hai thành phố lớn Hà Nội - TPHCM tác động đến bạn ra sao?
Hà Nội kín đáo và thâm trầm, Sài Gòn hoa lệ và sôi động, tưởng như trái ngược hẳn mà lại rất bình thường như mọi hỉ-nộ-ái-ố trong cuộc sống. Hát không chỉ là cất lên âm thanh, mà là chia sẻ trải nghiệm qua âm nhạc, tìm đến sự đồng điệu. Bốn năm sống ở Hà Nội, trải qua những mùa rất rõ rệt, cực lạnh, cực nóng, cực đoan. Những điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cách hát của Linh. "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn".
- Ngành ngoại giao là giải pháp tốt trong trường hợp bạn không trở thành ca sĩ?
Ồ, Linh nghĩ nghề chọn người chứ làm sao người chọn được nghề. Phía trước dù sáng nhưng không đi, sao biết cái gì đang đợi mình. Linh cứ phải đi cái đã. Chỉ biết là, tuổi trẻ hãy ưu tiên cho đam mê trước.
- Việc bố mẹ chia tay ảnh hưởng đến Linh như thế nào?
Sao anh biết thông tin này? (cười) Trên Google cũng có à?! Bố mẹ Linh có quãng thời gian khó khăn thôi, hai người vẫn đang hạnh phúc. Nếu nói không ảnh hưởng đến tính cách thì cũng không thành thật, Linh cũng tự thấy mình hơi ương ngạnh và nhiều lúc quá giống con trai. Không thích chút nào! (cười lớn).
- Linh hát Chỉ là giấc mơ của Kim Ngọc với cảm xúc rất thật. "Giấc mơ" của bạn đã tới chưa?
Chỉ là giấc mơ Linh yêu thích từ rất lâu rồi, ca từ và giai điệu quá đẹp. Linh thần kinh không vững nên ngủ mơ hoài, thức dậy chỉ biết mình đã mơ, nhưng thật tình là không nhớ nổi đã mơ thấy gì.
- Và bạn nghĩ sao nếu mình trở thành "giấc mơ" của nhiều người?
Linh thích là thực tại nhiều hơn. Vì thực tại dù xấu hay đẹp mình vẫn chấp nhận nó. "Mơ hồ như khói thuốc" (Lời bài hát Chỉ là giấc mơ-PV) không an toàn tí nào. (cười).
Vài điều chưa biết về Uyên Linh Idol Lần đầu tiên tôi thấy Uyên Linh là trên sân khấu của Soul of Melody (có thể hiểu là "Hồn của giai điệu") - cuộc thi tiếng hát sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội mở rộng đầu năm 2008. Nhỏ bé, giản dị trong chiếc váy ngắn xanh nhạt, chiếc mũ rộng vành quá khổ so với vóc dáng, Uyên Linh không nổi bật nhất về giọng hát, nhưng ít ra cũng không gồng mình lên để chứng tỏ giọng khỏe như một số đối thủ. Tính cạnh tranh của kì thi năm đó khá cao, vì người đứng đầu kì trước, cũng là sinh viên Ngoại giao, vừa thắng lớn tại giải Sao Mai toàn quốc. Trong khi nhiều người chọn dòng dân gian đương đại thời thượng, thì Uyên Linh chọn A woman"s worth của Acilia Keys. Khi đó, giọng Linh hát tiếng Anh dày hơn, nét hơn tiếng Việt. Cô hát R&B Mỹ cũng hay hơn pop Việt. Có lẽ hai năm ở Hà Nội chưa đủ để một cô gái Sài Gòn phát âm chuẩn tiếng Bắc. Nếu cô không hát tiếng Anh, nhiều khả năng giải thưởng cao nhất của Soul of Melody đã rơi vào tay người khác. Trước đó, cuối năm 2007, Uyên Linh tiếp tục giành giải Đặc biệt Let"s Get Loud - cuộc thi hát tiếng Anh cho HSSV Hà Nội. Hai giải thưởng là những mốc đáng nhớ, cho đến khi cô đến với Thần tượng Âm nhạc Việt Nam. Trước đó, ở Sao Mai Điểm hẹn 2008, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi Linh không qua được vòng sơ khảo. Sao Mai 2009, giọng hát tiến bộ (với Đá trông chồng) nhưng vẫn không bật được lên giữa một rừng nhân tài của vòng chung kết miền Bắc. Đến đây, ấn tượng về Uyên Linh đọng lại chỉ còn ánh mắt - có gì đó lầm lì, không đầu hàng. Khi nghe Linh thi Việt Nam Idol, tôi cũng chỉ nghĩ về tinh thần ham...đi thi của cô. Mãi đến khi Linh vào top 10, tôi mới nghe lại cô. Và cô đã làm tôi ngỡ ngàng bởi những màn trình diễn hoàn chỉnh - tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Cô đã trang bị đủ kỹ thuật để truyền tải được dòng cảm xúc dào dạt của một tâm hồn biết hát. Những đoạn phim đăng trên YouTube quay lại các tiết mục của Uyên Linh tại một quán cà phê ở Hà Nội tiếp tục làm tôi thích thú. Trong góc quán thiếu sáng, cô hát say mê và thỏa sức phiêu linh như thể đang trên sân khấu lớn. Sự cổ vũ của thính khách cho thấy họ hoàn toàn đồng điệu với cô. Rồi những bài trả lời phỏng vấn báo chí, kể cá cách cô bày tỏ chính kiến trên Facebook khi bị tung tin nói xấu bạn cũng khiến...không có gì để phàn nàn. Trên thực tế, có trường hợp bẩm sinh không được trời cho giọng hát nhưng vẫn trở thành ngôi sao có ảnh hưởng. Còn những giọng hát có thể rất hay nhưng không tỏa sáng - lại là điều rất bình thường. Uyên Linh giờ đây không chỉ biết hát thật hay, mà còn hội tụ vài yếu tố quan trọng của một ngôi sao mới, bao gồm cả kiến văn, bản lĩnh giao tiếp và xử lý tình huống. Dường như chính những tố chất bên trong chín muồi đã góp phần đáng kể đưa Uyên Linh đến với thành công tại Thần tượng Âm nhạc Việt Nam - nơi cô rút cuộc đã gặp được hàng triệu trái tim đồng cảm. |
Theo Tiền Phong