'Vá' lại tâm hồn trong thế giới của thú cưng

(PLVN) - Bằng dáng vẻ thân thiện, ngây ngô, đáng yêu, những chú cún cưng, mèo cưng hiện nay đang trở thành một người bạn thân thiết của mọi người. Nhờ chơi đùa, ngắm hình ảnh thú cưng nhiều người đã giải tỏa áp lực sau giờ làm việc, học tập căng thẳng.
Thú cưng đã giúp nhiều người sống lành mạnh hơn. (Nguồn: Linh Dương)

Hình thành thói quen tốt nhờ những “người bạn” bốn chân

Ngọc Hà (26 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, mỗi ngày sau tám tiếng đồng hồ làm việc ở công ty, cô chỉ mong muốn nhanh chóng trở về nhà để “đoàn tụ” cùng chú mèo cưng 2 tuổi của mình. Hà tâm sự, thời sinh viên cô thường ngắm bức ảnh chó, mèo hài hước trên mạng Internet để giải trí sau giờ học, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế lúc đó nên Hà không thể nuôi một chú chó, chú mèo của riêng mình.

Cô chia sẻ: “Tôi sống một mình ở Hà Nội, chú mèo cưng giống như một người bạn thân thiết của tôi. Bé mèo luôn chờ ở cửa mỗi khi tôi về nhà, ngồi im lắng nghe tâm sự mỗi khi tôi buồn. Chú mèo biết an ủi chủ nhân, bày trò nghịch ngợm vui vẻ”. Từ sau khi nuôi chú mèo cưng, ngôi nhà của Ngọc Hà trở nên ấm cúng, sinh động hơn. Cô bỏ thói quen ăn hàng quán bên ngoài, đúng giờ trở về nhà để chuẩn bị những bữa ăn nóng hổi dành cho cả chủ và mèo.

Cũng giống như Ngọc Hà, Linh Dương (33 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) nuôi một chú chó vàng tên là Mơ. Mơ đã trở thành một người bạn thân thiết trong gia đình Linh Dương. Hàng ngày, chú chó là “chuông báo thức” mọi người dậy đúng giờ đi làm, đi học. Ngoài ra, Mơ còn đảm nhiệm vai trò quan trọng như “nhắc” cả gia đình Linh Dương đi tập thể dục.

Linh Dương chia sẻ: “Chó vốn là loài hiếu động, hàng ngày chúng sẽ thích ra ngoài đi chơi, đi dạo. Vì vậy, mỗi buổi sáng, buổi chiều, các thành viên trong gia đình của tôi sẽ thay phiên nhau đưa Mơ ra công viên. Từ khi có Mơ, mỗi buổi chiều tối sau khi ăn cơm xong, tôi có thói quen đi bộ từ 5 - 7km liên tục”. Nhờ đi tập thể dục cùng Mơ đều đặn một tuần, 5 buổi, tình trạng sức khỏe của Linh Dương cũng tốt lên rất nhiều, cô không còn ốm vặt, trong những chuyến đi chơi xa cùng bạn bè, đồng nghiệp không còn bị chê là yếu nữa.

Hoài Thương (34 tuổi, sinh sống Thạch Thất, Hà Nội) rất thích chó, mèo, hiện tại cô nuôi 8 con mèo trong ngôi nhà rộng rãi của mình ở ngoại ô thành phố. Thương chia sẻ: “Trước đây, lúc chưa nuôi mèo tôi thường có thói quen thức đêm đến 1 - 2 giờ sáng. Nhưng, từ sau khi nuôi các chú mèo giúp tôi sống có trách nhiệm với bản thân của mình. Tôi thường đi ngủ lúc 22 giờ đêm, sáng dậy lúc 5 giờ rưỡi để chuẩn bị đồ ăn sáng cho người và mèo. Bản thân tôi có ý thức giữ gìn sức khỏe, tôi đều đặn 6 tháng đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Chỉ khi khỏe mạnh, tôi mới đủ tiền bạc, thời gian để chăm lo cho đàn mèo của mình”.

Hoài Thương cho biết, mỗi chú mèo cô nhận nuôi đều có một hoàn cảnh khác nhau. Có chú là mèo hoang lang thang ở nhà kho trong cơ quan nơi cô từng làm việc, có chú mèo bị chủ bỏ rơi ngoài đường, có chú mèo chủ chuyển công tác vào miền Nam bỏ lại Hà Nội, có chú mèo không may mắc bệnh bị vứt bỏ,...

Cô tâm sự: “Hiện tại tôi sống một mình ở Hà Nội, 8 chú mèo như gia đình nhỏ của tôi. Ngoài việc báo hiếu, quan tâm ông bà, bố mẹ, tôi luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ, để có thu nhập ổn định, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho đàn mèo của mình”. Sau nhiều năm làm việc, cô đã mua một căn nhà rộng khoảng 50m ở ngoại ô thành phố, có khoảng sân, vườn nhỏ để chăm sóc mèo. Hoài Thương nói: “Tôi đã có không gian nuôi mèo mà không ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng. Ngôi nhà riêng dễ dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho cả người và vật nuôi”.

Ngôi nhà nhỏ 8 chú mèo đã trở thành tổ ấm của Hoài Thương. (Nguồn: Hoài Thương)

Thực tế, một nghiên cứu cuộc khảo sát của Đức - Australia được thực hiện vào năm 2006 đã kết luận rằng những người liên tục sở hữu thú cưng là nhóm khỏe mạnh nhất và những người ngừng nuôi thú cưng hoặc chưa bao giờ nuôi thú cưng thì kém khỏe mạnh hơn. Nghiên cứu cho thấy những người nuôi thú cưng đến gặp bác sĩ ít hơn khoảng 15% mỗi năm. Một nghiên cứu khác của nghiên cứu của nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov cũng chỉ ra rằng nuôi thú cưng giúp con người xây dựng các thói quen, tập trung và có tổ chức hơn. Đặc biệt, các thói quen này giúp chủ nhân của các “hoàng thượng” giữ được đầu óc tỉnh táo và giảm bớt căng thẳng.

Tìm lại niềm vui từ các “boss”

Hiện nay, thú cưng như chó, mèo, thỏ, chuột lang, cá cảnh,... không chỉ trở thành một phần trong cuộc sống của con người, mà chúng còn giúp làm hạn chế những căn bệnh về tâm lý, tinh thần cho người nuôi. Có không ít người đã tìm lại niềm vui, hạnh phúc khi ngắm nhìn, chơi đùa hoặc chăm nuôi một thú cưng nhỏ xinh.

Biện pháp trị liệu bằng thú cưng (Pet Therapy) đang được ứng dụng phổ biến trên thế giới. Bằng việc tương tác có hướng dẫn của bác sĩ tâm lý, người bệnh sẽ chăm sóc, trò chuyện, chơi đùa cùng một loài vật nuôi bất kỳ (đã được huấn luyện, thuần hóa). Mục đích của trị liệu bằng thú cưng là giúp một ai đó hồi phục hoặc đối phó được với một vấn đề sức khỏe hay rối loạn tâm thần nào đó.

Rất nhiều người sau khi trải qua các sang chấn tâm lý do mất người thân, bị lạm dụng, bạo hành... đã được hướng dẫn tìm một chú thú cưng để chăm nuôi, bầu bạn. Nhờ vẻ đáng yêu, ngây ngô, trung thành, nhiều chú chó, mèo, gà, chuột lang đã trở thành “cứu tinh” cho rất những tâm hồn đang trên bờ vực tan vỡ.

Thú cưng không chỉ là một “người bạn” đồng hành cùng bệnh nhân tâm lý, chúng còn là “liều thuốc” cho hạnh phúc cho nhiều người. Quay lại thời điểm hơn ba năm trước, khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ, tất cả đều khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường tránh lây lan dịch bệnh. Điều này vô tình làm nhiều người cảm thấy cô đơn, lạc lõng do không được giao tiếp xã hội. Trong khoảng thời gian đó, những “người bạn” có lông, có vẩy đã trở thành “nguồn sinh lực” giúp không ít người vượt qua căn bệnh trầm cảm, cô đơn.

Có rất nhiều nghiên cứu khoa học đang chỉ ra lợi ích to lớn của việc tương tác, chơi đùa, chăm nuôi và ngắm nhìn thú cưng. Một nghiên cứu của Trường Cao đẳng Thú y thuộc Đại học Cornell cho thấy, chỉ cần 10 phút vuốt ve chó hoặc mèo có thể làm giảm đáng kể nồng độ cortisol. Việc nuôi thú cưng, đặc biệt là chó hoặc mèo có thể mang lại cảm giác bình tĩnh, giảm căng thẳng.

Một nghiên cứu khác của Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, những người nuôi thú cưng ít có khả năng bị trầm cảm hơn những người không nuôi thú cưng.

Từ việc giảm căng thẳng đến tăng cường tương tác xã hội, thú cưng là một phần không thể thiếu trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần. Khi nghiên cứu tiếp tục khám phá mối liên hệ giữa thú cưng và sức khỏe tâm thần, rõ ràng là những “người bạn” có lông (hoặc lông hoặc có vảy) mang lại một hình thức hỗ trợ tinh thần độc đáo và có giá trị.

Bên cạnh lợi ích của việc nuôi thú cưng trong nhà, mỗi người cần phải tìm hiểu kiến thức trước khi nhận nuôi động vật. Lấy ví dụ, mỗi điều kiện gia đình, kinh tế, diện tích sẽ phù hợp với giống chó, mèo, thú kiểng khác nhau. Một gia đình có trẻ nhỏ, nên chọn giống chó, mèo hiền lành, tránh nuôi những loài hiếu động như Pitbull, Dorberman, Becgie,... Đặc biệt, mỗi người chủ nuôi cần phải có trách nhiệm với thú cưng của mình. Như việc tiêm phòng bệnh dại, căn bệnh truyền nhiễm cho thú cưng trước khi nhận nuôi để đảm bảo sức khỏe cho thú cưng và những người xung quanh.

Việc nuôi thú cưng đồng thời đi kèm với trách nhiệm vệ sinh sạch sẽ cho chúng. Thực tế, nuôi thú cưng đồng nghĩa với việc mỗi người phải "nuôi" thêm cả những ký sinh trùng trên các con vật này, chính những loại ký sinh đó trở thành nguyên nhân gây bệnh. Sán dải là một trong những ký sinh trùng nguy hiểm xuất hiện trong ruột non của chó. Chúng phát triển làm cho người lớn, trẻ nhỏ bị đau bụng, tiêu chảy, ngứa ngoài da, dị ứng. Cho nên, cần phải cho thú nuôi uống thuốc giun đều đặn theo chỉ định của bác sĩ thú y. Ngoài ra, cần phải tắm rửa, cho vật nuôi ăn thức ăn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.

Cuối cùng, vật nuôi cũng có cảm xúc cần phải được bảo vệ, yêu thương. Vì vậy, người nuôi không nên chăm sóc chúng để “giải trí” hay chữa bệnh mà phải có trách nhiệm, hạn chế việc vứt bỏ thú cưng. Điều này sẽ làm tăng cường số lượng chó, mèo, chuột... hoang tạo điều kiện những ổ dịch như bệnh dại bùng phát.