Vắc-xin Rota là thành tựu lớn của ngành Khoa học &Công nghệ

(PLO) - Trả lời chất vấn về những thành tựu, sử dụng ngân sách của Nhà nước trong lĩnh vực Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ  khẳng định hiệu quả sử dụng ngân sách cho KH&CN, minh chứng tiêu biểu là sản xuất thành công Vắc-xin Rota
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ
Theo báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ, Nhà nước duy trì mức đầu tư cho hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) (chưa tính kinh phí sự nghiệp môi trường và an ninh, quốc phòng) với tỷ lệ khoảng 1,36-1,59% tổng chi ngân sách nhà nước. 
Nhìn chung ngân sách cho KH&CN vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng chi so với một số lĩnh vực khác như giáo dục, đảm bảo xã hội, các hoạt động kinh tế.
Trong những năm qua, kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách trung ương và địa phương được tập trung dành cho các hoạt động của các tổ chức KH&CN, chủ yếu được dành cho chi hoạt động thường xuyên, phần còn lại được dành cho chi các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. 
Trong khi đó, hoạt động đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp, nền sản xuất nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, qua đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế có được chủ yếu dựa trên thành tựu của các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, một phần từ các nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh.
Nói về hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN, theo thông lệ quốc tế, do đặc thù của hoạt động KH&CN, chưa có một hệ tiêu chí đánh giá được thừa nhận chung về cách thức tính toán chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển để từ đó đo đếm được hiệu quả đầu tư cho KH&CN. 
Báo cáo cũng khẳng định:  Đầu tư cho KH&CN là đầu tư cho tương lai, và Nhà nước có trách nhiệm đầu tư cho tương lai ngay cả khi không thể tính toán được hiệu quả tác động của KH&CN trong ngắn hạn. Chính vì thế, chỉ có thể đưa ra các nhận định định tính mà rất khó định lượng về hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Một trong những thành tựu lớn đầu tư trong KH&CN là nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin Rota. Đây là thành tựu to lớn của ngành y học, ghi danh Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc-xin Rota. 
Công nghệ này đã giúp cho Việt Nam chủ động sản xuất vắc-xin dự phòng (ước tính khoảng 3 triệu liều/năm) với giá thành chỉ bằng 1/3 giá vắc-xin ngoại (hãng GSK-Bỉ). 
Theo tính toán, khi chủ động được vắc-xin nước ta sẽ giảm được 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota. Thành công này đã giúp chúng ta hàng năm tiết kiệm được khoảng 75 triệu USD cho chí phí nhập 3 triệu liều vắc-xin (cho 100.000 trẻ/60 tỉnh). Số kinh phí này gấp 6 lần kinh phí đầu tư cho cả chương trình nghiên cứu về y dược trong 5 năm. 
Trong bảng thành tích của ngành KH&CN còn có thành công trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công phục dự án thủy điện; Thiết kế, chế tạo thành công Máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV- 3 x150 MVA, là thiết bị cỡ lớn, chủ lực của hệ thống truyền tải điện quốc gia với chất lượng tương đương Châu Âu; công nghệ sản phẩm bột huỳnh quang ba phổ.  
Sáng nay, tiếp tục phiên chất vấn, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐB QH. Trọng tâm của cuộc chất vấn liên quan đến vấn đề như: Giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; Trách nhiệm của ngành KH&CN trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; Vấn đề thực hiện chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Nghị định 115).

Đọc thêm