Vạch mặt thủ đoạn trốn thuế của Metro là bước tiến của ngành thuế, nhưng...

(PLO) - TS. Nguyễn Đăng Doanh khẳng định, việc vạch trần thủ đoạn trốn thuế của Metro lần này là một bước tiến của ngành thuế, tuy nhiên chúng ta cũng cần nâng cao năng lực thanh tra để chống lại những kỹ xảo, thủ thuật trốn thuế của các công ty xuyên quốc gia.
TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương.
TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương.
Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vừa có thông tin chính thức liên quan đến việc thanh tra thuế tại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Kết quả thanh tra cho thấy, công ty này có nhiều vi phạm liên quan đến chuyển giá, trốn thuế. Cơ quan thuế đã yêu cầu công ty này điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với tổng số tiền 507 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, một trong những nguyên nhân thua lỗ của công ty này là từ năm 2002 đến năm 2013, công ty liên tục đầu tư mở rộng, đặc biệt trong một thời gian ngắn, từ năm 2010 đến năm 2012, công ty mở thêm 10 trung tâm. Các chi phí khấu hao, tiện ích, tiền thuê đất rất lớn là nguyên nhân chính gây ra các khoản lỗ cho trung tâm mới thành lập.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho hay: “Tôi hoan nghênh và coi đó là một sự tiến bộ trong việc xác định được sai phạm của Metro, chứng minh được và yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế. Đó là một bước tiến, bởi trong thời gian qua, chúng ta hiếm có lần chứng minh được như lần này.
Các công ty xuyên quốc gia có rất nhiều kỹ xảo, thủ thuật để trốn thuế. Cho nên, thanh tra thuế của Việt Nam cũng cần phải học và có kỹ năng. Mặc dù thời gian học sẽ dài, nhưng họ đạt được tiến bộ như trên thì chúng ta cũng nên hoan nghênh”.
Ông Doanh cũng nhấn mạnh: “Việc các doanh nghiệp không nộp thuế đúng quy định ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu ngân sách quốc gia và có sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, trước thủ đoạn chuyển giá tinh vi của các tập đoàn xuyên quốc gia, hoạt động chống chuyển giá của Việt Nam còn nhiều hạn chế, do hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ, cũng như sự hạn chế về nghiệp vụ của cơ quan thuế. “Không thể tạo thiên đường cho những kẻ trốn thuế đến Việt Nam làm ăn. Đó không phải mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam”, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, thời gian tới, ngành Thuế cần tăng cường năng lực, hợp tác với các cơ quan Thuế, thanh tra Thuế ở các nước mà các công ty đó đặt trụ sở. “Cần phải tăng cường hợp tác để chứng minh được hành động của họ có hợp pháp hay không, có điều gì bất thường ở đây”- ông Doanh hiến kế.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc truy thu thuế đối với các doanh nghiệp chuyển giá là việc làm cần thiết nhằm chống thất thu ngân sách, đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp. 
Mặt khác, việc truy thu thuế này cũng đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, hiệu lực của quản lý Nhà nước. Với năng lực thanh tra có hạn, không thể triển khai ở diện rộng thì cơ quan thuế nên bắt đầu điều tra từ những doanh nghiệp có nguy cơ trốn thuế cao nhất. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp hoàn tất việc chuyển nhượng, sẽ rất khó khăn trong vấn đề truy thu thuế do vướng nhiều thủ tục liên quan. 
“Đối với các doanh nghiệp chuyển giá như Metro, ngoài việc truy thu tiền thuế, cần tính tới việc phạt thêm. Vụ việc này cho thấy, việc thanh tra, chống chuyển giá cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa” – TS. Phong nhấn mạnh./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm