Vai trò tự vệ Đà Nẵng năm 1945

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vai trò của lực lượng tự vệ Đà Nẵng đã góp một phần quan trọng trong việc giành chính quyền thành công tại đất “nhượng địa Tourane” này. Dưới đây, chúng tôi lược ghi một vài kỷ niệm của những người trong cuộc qua những trang hồi ký mà họ để lại, bởi phần đông trong số họ đã qua đời.  

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vai trò của lực lượng tự vệ Đà Nẵng đã góp một phần quan trọng trong việc giành chính quyền thành công tại đất “nhượng địa Tourane” này. Dưới đây, chúng tôi lược ghi một vài kỷ niệm của những người trong cuộc qua những trang hồi ký mà họ để lại, bởi phần đông trong số họ đã qua đời.

Ông Nguyễn Văn Lang (tức Lang Đen) mặc áo trắng - một trong những tự vệ tham gia cướp chính quyền tại Đà Nẵng tháng 8-1945. Người ngồi bên là Phạm Văn Ba - bạn của ông.

Ông Nguyễn Văn Lang (tức Lang Đen) mặc áo trắng - một trong những tự vệ tham gia cướp chính quyền tại Đà Nẵng tháng 8-1945. Người ngồi bên là Phạm Văn Ba - bạn của ông.

Sau khi cướp chính quyền tại Hòa Vang thành công, ta tích cực chuẩn bị cướp chính quyền tại Đà Nẵng. Theo lời một cơ sở của ta, ông Châu Văn Chỉ - lúc bấy giờ thường gọi là ông Tham chỉ, làm việc tại Tòa đốc lý Đà Nẵng thì: “Khi đó, Nhật vẫn còn rất nhiều tại Đà Nẵng song chúng không biết Việt Minh có liên hệ gì với phe Đồng minh hay không, nên chúng bảo Thị trưởng Đà Nẵng là Nguyễn Khoa Phong tìm cách liên hệ với Việt Minh. Ông Phong bảo tôi đi tìm gặp cựu chính trị phạm Lê Văn Hiến. Tôi bèn lên bãi cát trước Cây Quăng, chỗ xóm Mả Vôi, nơi có nhà bà chị của anh Hiến.

Đến nơi, tôi thấy anh Lê Văn Mậu-cháu ruột của anh Hiến đang sắm băng, cờ, khẩu hiệu chuẩn bị cho khởi nghĩa. Tôi báo tình hình cho anh Mậu biết và thông báo Nhật gắn loa trên ô-tô đi loan tin cần gặp Việt Minh và Thị trưởng Đà Nẵng đã cho dán một tấm bảng trước cổng với nội dung “Cần gặp đại biểu Việt Minh!”. Tình hình trên phù hợp với chủ trương của ta nên ta đã thương lượng được với quân Nhật để cướp chính quyền thành công mà không đổ máu tại Đà Nẵng. Tuy Nhật đồng ý án binh bất động song bọn tay sai của Nhật, của Pháp, nhất là các đảng phái phản động tại Đà Nẵng cũng ráo riết tìm cách giành chính quyền về tay chúng. Vì vậy, vai trò của lực lượng tự vệ Đà Nẵng lúc bấy giờ là rất quan trọng.

Theo cụ Lê Tiền, nguyên là Thành đội trưởng đầu tiên của thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi ta cướp chính quyền thành công thì lực lượng vũ trang khởi nghĩa của Đà Nẵng lúc đó độ 1.000 người, “anh em đã lấy được của Nhật 8 khẩu súng” để trang bị cho mình, đây là vốn liếng đầu tiên của lực lượng vũ trang Đà Nẵng. Để bảo đảm sự thành công của cuộc nổi dậy và trấn áp các đảng phái phản động thân Nhật và thân Pháp, lực lượng tự vệ Đà Nẵng có nhiệm vụ “đón bắt” và “điều” chúng đi nơi khác. Về vấn đề này, ông Trần Đình Nho - Trưởng Ty Công an đầu tiên của Đà Nẵng, trong hồi ký của mình đã kể lại: “Hồi ấy Đà Nẵng có rất ít xích lô và xe máy, chủ yếu là xe kéo tay.

Chúng tôi phân công cứ 2 người đi một xe, chia ra các ngả đường, trên xe có bỏ theo một ít giẻ, dây dừa, bao tải. Khi đến nhà những người có tên trong danh sách cần bắt giữ, chúng tôi bí mật đột nhập bất ngờ, bắt giữ người cần bắt, trói chặt và cõng ra xe kéo tay chở đi. Theo sự phân công của Thành bộ, tôi và anh Phan Châu Toàn vạch kế hoạch bắt Mai Trọng Tánh, người chủ trương lợi dụng tình hình, để “phổng tay trên của Việt Minh” hòng giành chính quyền tại Đà Nẵng. Sau khi bắt được Mai Trọng Tánh, chúng tôi tiếp tục truy bắt những tên đầu sỏ còn lại. Đến 3 giờ sáng, chúng tôi đã bắt tổng cộng 10 tên, phá bỏ âm mưu của bọn Việt gian này, góp phần đắc lực cho sự thành công của cướp chính quyền tại Đà Nẵng!”.

Sau khi quân Nhật tại Đà Nẵng đồng ý án binh bất động để Mặt trận Việt Minh thành phố Đà Nẵng thực hiện cướp chính quyền thì lúc 7 giờ ngày 24-8-1945, khi tiếng còi nhà máy nổi lên, từ khắp nơi “trên đất nhượng địa Tourane”, dưới sự chỉ đạo của các Ban bạo động cướp chính quyền, nhân dân ta xuống đường biểu tình cướp chính quyền khắp thành phố. Đúng lúc ấy, tại Bót Cò (sở cảnh sát) tại Đà Nẵng, lực lượng tự vệ của ta được lệnh hành động.

Theo lời cụ Trương Chí Thanh - nguyên Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, nhớ lại: “Tối hôm trước đó, anh Quảng gặp tôi và dặn, sáng mai phải huy động anh em có mặt tại Bót Cò đúng 7 giờ 15 phút, nhớ mang theo băng rôn, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng. Y hẹn, khi còi nhà máy nổi lên, chúng tôi xông vào bắt trói tên lính gác, tên Đội trực đêm hôm trước và một vài tên đến làm việc sớm. Chúng tôi giơ dao găm lên và ra lệnh cho chúng giao chìa khóa kho súng, kho hồ sơ và phải án binh bất động, nếu không sẽ bị trừng trị thích đáng. Chỉ nửa giờ sau, lực lượng chúng tôi đã làm chủ Bót Cò, mỗi người lấy trong kho súng trang bị cho mình một khẩu Mút-cờ-tông hoặc một khẩu Ru-lô. Sau khi cướp Bót Cò, tôi được phân công phụ trách đồn Đội Cung trên đường Hoàng Diệu hiện nay!”.

Như vậy, công cuộc giành chính quyền về tay nhân dân tại Đà Nẵng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với nhiều lực lượng khác, lực lượng tự vệ Đà Nẵng đã góp một phần xứng đáng vào ngày hội “phá xiềng gông tại thành phố nhượng địa Tourane”. Một chiến công đặt nền móng quan trọng cho lực lượng “bạo lực cách mạng” tại thành phố Đà Nẵng sau này.

LƯU ANH RÔ

Đọc thêm