Vai trò và yếu tố quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng

Chiều 13-1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI làm việc tại Hội trường, các đại biểu tham luận, góp ý kiến vào nội dung các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội.

Chiều 13-1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI làm việc tại Hội trường, các đại biểu tham luận, góp ý kiến vào nội dung các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội.

4 bài học từ thắng lợi của Chiến lược phát triển KT-XH 2001-2010

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (Ảnh: TTXVN)

Bày tỏ những suy nghĩ về 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 2001 – 2010 và các bài học rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, bài học đầu tiên chính là phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Trong tổng đầu tư toàn xã hội thời gian qua, khu vực Nhà nước chiếm hơn 40%, tư nhân 38%, khu vực đầu tư nước ngoài hơn 20%. Như vậy, chúng ta đã khơi dậy được nguồn lực từ sức mạnh của tất cả các thành phần kinh tế.

Thứ hai là đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Thứ ba là bảo đảm độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Thực tiễn từ nước ta và thế giới, khu vực cho thấy, ổn định chính trị-xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển là đây là lợi thế của nước ta.

Thứ tư, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Theo đồng chí, sự gắn kết thiếu chặt chẽ sẽ làm yếu đi sự lãnh đạo của Đảng, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và hạn chế quyền làm chủ thực sự của nhân dân.

Vai trò và yếu tố quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng

Khẳng định vai trò và yếu tố quan trọng nhất chính là sự lãnh đạo của Đảng, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn lại bài học kinh nghiệm năm 2008. Chúng ta gặp khó khăn từ cuối năm 2007, bước vào năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới lại tràn vào ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, lạm phát lên cao, giá cả leo thang. Chính phủ đã kịp thời đưa ra một chính sách mới là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bài học đầu tiên chính là phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

"Khi thực hiện chính sách này, chúng ta làm một cách khoa học, tạo ra sự đồng thuận xã hội, tạo ra sự thống nhất trong Đảng và chúng ta thành công. Đây cũng là thành công rất lớn mà không dễ gì các nước khác có được”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.

Như vậy, muốn thực hiện được Chiến lược mới, muốn thực hiện đầy đủ Nghị quyết ĐH XI, nội bộ Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải là một thể thống nhất, thống nhất trong tư tưởng, trong chỉ đạo điều hành và trong hành động.

Theo Bộ trưởng, thời điểm thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng XI khó hơn nhiều so với thực hiện ĐH X. Nhưng với sự thống nhất trong toàn Đảng, sự điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và chương trình hành động cụ thể, chúng ta sẽ thực hiện được.

Cũng tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên tham luận vấn đề “Công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

“Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo vệ môi trường trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách và cần những giải pháp mang tính đột phá”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Ngô Xuân Lịch tham luận về vấn đề “Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.”

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân tham luận về vấn đề “Tăng cường và mở rộng quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản, đảng cánh tả, đảng cầm quyền và các chính đảng trên thế giới.”

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tham luận vấn đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng,” Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như trong suốt 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, Nhà nước đã thể chế hóa nhiều chính sách, pháp luật để chăm lo các giai tầng trong xã hội, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể; thực hiện tốt vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

ĐNĐT (tổng hợp)

Đọc thêm