Một hành vi liệu có bị truy tố về 2 tội?
Vụ án này khiến không ít người băn khoăn một hành vi mua bán cổ phiếu lúc thì bị truy tố tội này, lúc lại bị truy tố tội khác. Dẫn chứng, 5 Cty của Nguyễn Đức Kiên có hành vi kinh doanh tài chính trái phép, trong đó có Cty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN). Hành vi cụ thể của Cty này là dù không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng đã mua 11.907.100 cổ phiếu của ngân hàng ACB và vì thế, bị cáo Nguyễn Đức Kiên - người đại diện theo pháp luật của Cty này bị truy tố, xét xử tội “Kinh doanh trái phép”.
Thế nhưng, cũng trong vụ án này, tại tội “Cố ý làm trái”, cũng hành vi đầu tư cổ phiếu ACB của hai Cty ACI/ACI-HN hợp tác với Cty ACBS để mua cổ phiếu của ACB lại được coi là hành vi đầu tư cổ phiếu chứ không phải kinh doanh tài chính như ở trên. Hành vi đầu tư cổ phiếu này bị coi là vi phạm Quyết định 27/2007 ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính quy đinh Cty “con” không được mua cổ phiếu của Cty “mẹ” và bị truy tố tội “Cố ý làm trái”.
LS Trần Thu Nam bào chữa cho bị cáo Kiên trong vụ án này cho biết: “Một hành vi vi phạm pháp luật hình sự có thể xâm phạm hai khách thể khác nhau được không? Chắc chắn là không. Nhưng nếu theo truy tố thì hành vi mua cổ phiếu ở tội “Kinh doanh trái phép” , khách thể bị xâm hại là hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh; còn hành vi mua cổ phiếu ở tội “Cố ý làm trái” lại xâm phạm khách thể là quy định công ty “con” không được mua cổ phiếu của Cty “mẹ”.
Như vậy, rõ ràng là sai lý luận về khoa học luật hình sự. Theo đó, một hành vi chỉ có thể có một khách thể, được bảo vệ bằng một tội danh, khi hành vi vi phạm xảy ra thì chỉ có thể truy tố một tội danh, còn ở đây rõ ràng là một hành vi nhưng lại bị truy tố hai tội danh khác nhau”.
Tuy nhiên, phản biện lại ý kiến trên, có LS lại cho rằng một hành vi có thể xâm hại cùng lúc nhiều khách thể, có điều hành vi đó chỉ cấu thành một tội và bị truy tố về một tội danh.
Một LS khác cho rằng việc gọi hành vi mua cổ phiếu lúc là kinh doanh tài chính, lúc là hành vi đầu tư cho thấy sự áp dụng pháp luật không thống nhất, xử lý không đồng đều.
Vẫn nóng “Kinh doanh tài chính” là gì?
Theo kết luận của đại diện VKS trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm thì hành vi góp vốn vào các Cty khác và mua cổ phần, cổ phiếu của các Cty do Nguyễn Đức Kiên đại diện là hành vi kinh doanh tài chính trái phép, vi phạm các quy định về trách nhiệm kê khai, đăng ký ngành nghề kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Nghị định về đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời gian HĐXX nghị án, nhiều ý kiến LS tiếp tục tranh luận khái niệm thế nào là hành vi kinh doanh tài chính? Theo LS Nguyễn Văn Thắng (VPLS Hoàng Danh, Đoàn LS Hà Nội) thì không tìm thấy khái niệm kinh doanh tài chính là gì và thực tế như các ý kiến LS trong vụ án đã nói, dù có đi đăng ký thì cũng không có ngành kinh doanh tài chính để đăng ký.
Đồng quan điểm, LS Trương Anh Tú (VPLS Trương Anh Tú, Đoàn LS Hà Nội) cho biết, sau khi vụ án kết thúc, có nhiều người quan tâm hỏi LS ngành kinh doanh tài chính theo quy định là gì, LS Tú đã thẳng thắn trả lời: “Hiện nay chưa có quy định cụ thể khẳng định thế nào là kinh doanh tài chính nên không thể biết trong đó có bao gồm hoạt động góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu hay không. Có người còn hỏi sau khi đã thành lập, doanh nghiệp có phải xin “Giấy phép con” cho hoạt động kinh doanh tài chính không, tôi là LS cũng khẳng định đến thời điểm này chưa có quy định buộc doanh nghiệp phải xin “giấy phép con” cho hoạt động kinh doanh tài chính sau khi thành lập”.
Vậy nếu không là kinh doanh tài chính thì đầu tư góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu là hoạt động gì của doanh nghiệp? Theo LS Tú, do chưa có quy định cụ thể về kinh doanh tài chính nên góp vốn mua cổ phần được xem là quyền trong hoạt động của doanh nghiệp, không phải đăng ký kinh doanh và tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp đã khẳng định doanh nghiệp có quyền góp vốn, mua cổ phần.Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của một LS khác cho rằng: “Bất cứ tổ chức, cá nhân nào của Việt Nam, ngoài các tổ chức, cá nhân được quy định tại Khoản 2, 4 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005, đều có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần mà không phải xin phép.
Ngoài ra, Điều 21 và Điều 26 Luật Đầu tư 2005 cũng quy định rất rõ hoạt động mua bán cổ phần, góp vốn thành lập doanh nghiệp là hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của doanh nghiệp. Như vậy, theo quy định không có ngành nghề kinh doanh “đầu tư tài chính” và các hoạt động mua bán cổ phần, phần vốn góp là hoạt động đầu tư mà các tổ chức và cá nhân đều có quyền thực hiện”./.
Hiện nay, khái niệm kinh doanh tài chính còn khá trừu tượng. Theo Danh mục các ngành nghề kinh tế Việt Nam (ban hành kèm Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007) không có quy định cụ thể về ngành “kinh doanh tài chính” mà chỉ liệt kê một số ngành nghề liên quan đến tài chính như: hoạt động dịch vụ tài chính, hoạt động trung gian tiền tệ, hoạt động công ty nắm giữ tài sản … .Các văn bản hướng dẫn Quyết định 10/2007/QĐ-TTg nêu trên cũng không xác định cụ thể tính chất của các ngành nghề liên quan đến tài chính, do cơ sở pháp lý xác định hoạt động kinh doanh tài chính còn khá mơ hồ.” (Ý kiến của một Luật sư)