Chọn “đi” lối nhỏ
Nguyễn Duy Biểu (sinh năm 1987, lớn lên ở Lâm Đồng) sau khi học thiết kế đồ họa mỹ thuật tại Đồng Nai, Biểu có vài năm lăn lộn ở TP.HCM với đúng ngành nghề đã chọn. Thế nhưng, những vạt cà phê bạt ngàn và không gian cà phê quê nhà đã thấm vào anh như ám ảnh, cứ thôi thúc anh phải gắn đời mình với nó.
Biểu trăn trở phải làm một hướng mới từ cà phê, dù vốn không có, trong khi các thương hiệu hàng quán cà phê đã tràn ngập khắp mọi nơi. Nhưng cũng chính bởi sự sinh sôi ồ ạt của hàng quán nên dù ở đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới mà vì lợi nhuận, người bán vẫn pha trộn ngô, đỗ tương, hóa chất vào cà phê, dần dần làm khẩu vị của không ít khách trở nên dễ dãi. Biểu mong muốn mang tới cho giới sành cà phê một khẩu vị chuẩn Việt, cà phê nguyên chất với giá cả lại bình dân nhất.
Và Arabica là sự lựa chọn của Biểu. Đây là một giống cà phê từ thời Pháp thuộc, rất được ưa chuộng ở châu Âu và châu Mỹ nhưng người Việt không mấy mặn mà. Loại cà phê dành cho “giới thượng lưu” này chỉ chiếm khoảng 1% diện tích trồng cà phê. Arabica mộc (nguyên chất) cho nước màu nâu nhạt sánh, mùi vị đắng rất đa dạng, từ đắng dịu với hương thơm nhẹ nhàng quyến rũ đến vị đắng hương thơm nồng nàn, đặc biệt có vị hơi chua rất lôi cuốn và thích hợp với khẩu vị phụ nữ.
Biểu quyết định về Lâm Đồng mở một quán cà phê lấy tên là quán Gỗ, mọi thứ trong quán đều bằng gỗ, trừ mái ngói, nền xi măng và một số đồ đạc nho nhỏ khác. Nhưng quán cà phê từ chối khách… hút thuốc này đã không phù hợp với xứ sở sương mù. Cuối cùng, Biểu chọn Hà Nội để tiếp tục ước mơ của mình.
Về việc lựa chọn Hà Nội làm “bến đỗ”, Biểu lý giải anh thích khung trời thơ mộng nơi đây dù biết để tồn tại phải có sự miệt mài “đến gai người”. Thị trường Hà Nội vẫn khá rộng mở, dù “gu” ẩm thực của người dân khắt khe… Chàng trai cũng tò mò muốn tìm hiểu, gần gũi đời sống thường nhật của người Hà Nội. Năm 2012, Biểu chính thức mang Arabica mộc ra Hà Nội.
Chinh phục khách bằng tình yêu và sự lì lợm
Để đưa cà phê tới mọi ngóc ngách phố cổ Hà Nội, tới người thưởng thức nhanh nhất và thân thiện nhất, Biểu chọn chiếc xe đạp cà tàng, một thùng đá, vài đồ đạc pha chế cùng “một túi nụ cười” và cả sự… lì lợm. Anh xác định ngoài sự lãng mạn, phố cổ có nhiều người ở các thành phần khác nhau, với nhiều khẩu vị khác nhau và mình phải có bản lĩnh thích ứng với tất cả.
“Chàng trai cà phê” trên chiếc xe đạp “cà phê nguyên chất và rang mộc”. |
Trước giỏ dán “biển” quảng cáo mộc mạc “cà phê Arabica Đà Lạt nguyên chất và rang mộc, 15.000 đồng/ly”, Biểu thong thả dạo xe khắp phố phường với niềm tin sẽ truyền bá thói quen uống Arabica Việt, cũng như cà phê nguyên chất đến người Hà Nội. Cà phê do chính gia đình Biểu làm tại Lâm Đồng, từ chọn hạt, rang xay đến đóng gói. Thế rồi từ 5-10 ly cà phê buổi ban đầu, hàng ngày Biểu đã có thu nhập ngang với một quán cà phê. Lịch trình hàng ngày được Biểu đưa lên facebook và được giới trẻ, người sành cà phê nhiệt tình đón nhận sau ly cà phê nguyên chất đầu tiên.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Biểu đã có thể mua xe máy nhưng anh vẫn chọn cách mưu sinh bằng xe đạp. Bởi anh muốn có một hình ảnh thật khác trong cuộc sống thành thị xô bồ. Điều quan trọng hơn, cà phê thường gắn liền với sự chậm rãi, thong dong…, vừa thưởng thức vừa nhẩn nha trò chuyện hoặc suy ngẫm, ngắm phố phường. Khi di chuyển bằng xe đạp thì Biểu cũng sẽ có nhiều khách hơn và dù không “cố ý” nhưng Biểu đã truyền cảm hứng nhiều hơn cho giới trẻ, bởi một chàng trai mạo hiểm lập nghiệp từ số 0, với chiếc xe đạp cà tàng quyết đi đến đích của mình.
Biểu có sự tinh tế để cảm nhận cuộc sống và anh đang dùng sự “tinh tế” ấy đưa tới “thượng đế” những cốc cà phê hương vị khó quên, qua bàn tay pha chế nhạy cảm của người “đất cà phê” và yêu cà phê.
Sau hai năm rong ruổi, Biểu ít đi bán dạo hơn bởi khách hàng đã theo sát chân chủ nhân của quầy cà phê đặc biệt này tại các trạm lưu động. Cà phê Reng Reng, thương hiệu Biểu đã đăng kí bản quyền xuất hiện ở Hà Nội với hai món tuy quen mà lạ là cà phê nâu và cà phê đen đá. Biểu đã lập được ba trạm cà phê Arabica ở phố cổ, tương đương ba quán nhỏ. Gọi là trạm vì những quầy hàng của Biểu đều có thể đẩy lưu động.
Tuy nhiên, sau khi suy tính, Biểu rút lại còn một trạm ở Hàng Phèn bởi anh muốn khách được thưởng thức sản phẩm do chính anh pha chế. Anh tạm hài lòng khi thực hiện được mong muốn tận tay mang thứ đồ uống nguyên chất mà trước đây chỉ có người giàu mới được dùng tới mọi người, nhất là những người lao động còn khó khăn. Với anh, tiền phải xếp sau mong muốn đó.
Và sau này, khi Hà Nội đã “say” vị Arabica mộc, chàng trai ấy dự định tiếp tục sự nghiệp cà phê dạo ở những thành phố khác, như “quả thông khô lăn mãi trên đường đời”, mang một chút gì đó rất riêng tới nơi mà bánh xe mình tới…