Là những độc giả thường xuyên của Báo Pháp luật Việt Nam và cũng là những người tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, chúng tôi hoan nghênh và cảm ơn Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải kịp thời các thông tin liên quan đến nội dung Dự thảo Nghị định mới về kiểm lâm thay thế cho Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ, đặc biệt là phản ánh những băn khoăn, lo ngại của độc giả trong việc chuyển lực lượng kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng (có thành lập Hạt Kiểm lâm - HKL) từ Ban Quản lý rừng đặc dụng sang thuộc Cục Kiểm lâm (đối với khu rừng đặc dụng do Trung ương quản lý) và Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh (đối với khu rừng đặc dụng do địa phương quản lý) theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Dự thảo Nghị định.
Qua theo dõi vấn đề này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến nội dung trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định) trên Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 11/12/2018. Cảm nhận đầu tiên khi đọc bài báo đó là câu hỏi do phóng viên nêu ra thì rất rõ ràng nhưng nội dung trả lời của ông Trị diễn giải không đúng với nội dung điều luật trong Dự thảo Nghị định.
Cụ thể, khi phóng viên nêu vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn liên quan tới quy định lực lượng kiểm lâm không thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của các ban quản lý rừng đặc dụng, ông Trị cho rằng: “Có thể khẳng định việc quy định lực lượng kiểm lâm có thuộc các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hay không là phụ thuộc vào tình hình thực tế của công tác bảo vệ rừng tại địa phương và do Bộ NN&PTNT quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể HKL rừng đặc dụng, HKL rừng phòng hộ thuộc Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể HKL rừng đặc dụng, HKL rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý”.
Trong khi khoản 1 Điều 11 của Dự thảo Nghị định quy định rất rõ ràng, cụ thể “HKL rừng đặc dụng, HKL rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Cục Kiểm lâm đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Trung ương quản lý; thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý”. Như vậy, làm gì có chuyện “lực lượng kiểm lâm có thuộc các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hay không là phụ thuộc vào tình hình thực tế của công tác bảo vệ rừng tại địa phương” như ông Trị khẳng định với Báo Pháp luật Việt Nam (?).
Với câu hỏi “…nếu triển khai Nghị định mới, HKL - lực lượng chủ yếu, quan trọng để bảo vệ rừng - sẽ trực thuộc Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thì các ban quản lý rừng đặc dụng (có HKL) sẽ chỉ đạo, điều hành lực lượng nào bảo vệ rừng?”, ông Trị cho rằng một số độc giả chỉ đọc khoản 1 Điều 11 mà không đọc khoản 3 Điều 11 của Dự thảo Nghị định nên mới nêu vấn đề như vậy. Nhưng thực tế khi đọc khoản 3 Điều 11 có thể hiểu rằng: Khoản 3 Điều 11 chỉ quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể HKL rừng đặc dụng, HKL rừng phòng hộ, còn HKL đó thuộc ai trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành thì đã quy định cụ thể ở khoản 1 Điều 11 rồi.
Theo chúng tôi, Điều 11 của Dự thảo Nghị định có 3 khoản: Khoản 1 quy định HKL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là cơ quan gì (hành chính hay sự nghiệp) và do ai trực tiếp quản lý; khoản 2 quy định điều kiện, tiêu chí để được thành lập HKL ở các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; khoản 3 quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể HKL rừng đặc dụng, HKL rừng phòng hộ. Chính vì khoản 1 Điều 11 của Dự thảo Nghị định quy định rất rõ ràng nên hầu hết các Ban quản lý Vườn quốc gia trên cả nước mới phản ứng gay gắt về quy định này của Dự thảo.
Không lo lắng sao được khi trách nhiệm bảo vệ rừng vẫn nằm nguyên trên “vai” của các chủ rừng này trong khi “công cụ” đắc lực nhất là HKL lại chuyển sang cho đơn vị khác quản lý, chỉ đạo, điều hành. HKL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ chỗ có nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì nay chỉ phối hợp với chủ rừng trong việc bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Điều đáng nói ở đây, trong khi Luật Lâm nghiệp quy định lực lượng kiểm lâm có nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (Điểm b khoản 1 Điều 104) thì Dự thảo Nghị định lại “làm nhẹ” trách nhiệm của kiểm lâm bằng việc quy định HKL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong việc bảo vệ rừng (Khoản 2 Điều 6 Dự thảo Nghị định). Phải chăng Nghị định “to” hơn Luật?
Đúng là không có chuyện rút kiểm lâm ra khỏi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như ông Trị khẳng định nhưng HKL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng thì thành lập ra để làm gì? Nếu chỉ để “kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ rừng của chủ rừng theo quy định của pháp luật” như ông Trị đã trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam thì chỉ cần HKL cấp huyện nơi có khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là quá đủ.
Vì sự nghiệp bảo vệ rừng, chúng tôi rất mong Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT lắng nghe những ý kiến phản biện tâm huyết để chọn lọc, tiếp thu và tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định mới về kiểm lâm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, một loại rừng cần ưu tiên bảo vệ hàng đầu.