Giá xăng A92 tại Singapore ngày 18-5 đã giảm xuống còn 81,33 USD/thùng, đây là mức thấp nhất trong chuỗi giảm giá liên tục 10 ngày qua. Thế nhưng giá xăng bán lẻ trong nước vẫn giữ ở mức cao. Trong lúc cơ quan quản lý nhà nước cho rằng với giá xăng nhập khẩu thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) đã có thể hòa vốn, thì một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu khẳng định vẫn còn lỗ.DN than lỗ, bộ nói hòa vốn Theo cách tính của Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), giá xăng A92 bình quân 30 ngày qua vẫn trên 89 USD/thùng, dẫn đến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ khoảng 800 đồng/lít, dầu diesel là 94,2 USD/thùng nên mức chênh lệch là 1.200 đồng/lít. Theo ông Bùi Ngọc Bảo - tổng giám đốc Petrolimex, giá vốn của DN chỉ có thể chênh lệch so với giá cơ sở khoảng 100 đồng. Vì thế, DN vẫn lỗ. Trong khi đó, một DN đầu mối khác cho biết mức lỗ bằng 50% so với giá cơ sở trên. Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, tổ trưởng tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương, với xăng các DN đã hòa vốn, còn với dầu DN vẫn lỗ.
|
Giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh nhiều ngày qua nhưng giá trong nước vẫn đủng đỉnh - (Ảnh: Thanh Đạm) |
Tuy nhiên, mức hòa vốn của giá xăng, theo ông Thỏa, chỉ có được khi đã bù đắp quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vì vậy, trong thời gian ngắn tới đây, ông Thỏa khẳng định chưa thể tính đến phương án tạm dừng trích quỹ bình ổn xăng dầu của các DN nhằm bù lỗ. Tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương cũng chưa thể có văn bản yêu cầu các DN giảm giá. Liên bộ sẽ tiếp tục theo dõi, ngay khi giá thế giới giảm đủ để giá cơ sở trung bình trong 30 ngày thấp đi, có thể giảm giá, sẽ yêu cầu DN thực hiện nghĩa vụ theo đúng tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, một DN khác khẳng định gần đây đã nhập lô hàng xăng về có lãi. Một chuyên gia trong ngành nhận định với cách thức mua hàng theo chuyến của DN hiện nay, việc mua được lô hàng có lãi là hợp lý bởi giá xăng trong mười ngày qua luôn dao động ở khoảng 84-85 USD/thùng, có lúc xuống dưới 82 USD/thùng. Theo công thức tính đã được công khai, với giá xăng nhập khẩu 84 USD/thùng, DN đã có thể hòa vốn. Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng thời điểm giá xăng dầu tăng cao trong tháng 4 đã có đầu mối nhập khẩu không nhập hàng về bán. Bằng chứng là đã có hiện tượng đại lý đổ về Petrolimex mua hàng tăng đột biến. Vì thế có thể lý giải vì sao thời điểm này có DN nhập hàng về bán và có lãi. “Bởi họ không có hàng tồn kho hoặc tồn kho ít nên hàng nhập về có được giá tốt và có lãi” - ông Bảo phân tích.Tính lại việc sử dụng quỹ bình ổn Vẫn theo vị chuyên gia trên, cơ quan quản lý nhà nước không nên chỉ kiểm soát chi phí 600 đồng/lít trong công thức tính giá cơ sở bởi ngoài việc tính giá nhập khẩu theo thị trường Singapore, còn phải xác định các yếu tố tạo nên giá nhập khẩu khác như chi phí bảo hiểm, vận chuyển... (gọi tắt là premium). Ngoài ra, việc sử dụng vốn, khấu hao... cũng dẫn đến chi phí khác nhau ở mỗi DN. Xác định được các yếu tố này mới biết được DN lãi, lỗ thế nào. Cho rằng với cách sử dụng quỹ bình ổn giá hiện nay sẽ dẫn đến việc có DN không tiết kiệm mà tận dụng quỹ và đưa lợi nhuận ra ngoài thông qua nhiều hình thức khác nhau như trước đây, một số công ty đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh lại quy định sử dụng quỹ bình ổn giá. Theo các DN này, quy định trích nộp quỹ bình ổn như hiện nay là 300 đồng/lít xăng, dầu thì cũng phải quy định rõ mức sử dụng cụ thể là bao nhiêu chứ không nên cho “mức tối đa”. Bởi quy định như vậy định kỳ sẽ phải có kiểm tra, quyết toán chi phí để duyệt và cắt xén việc sử dụng không hợp lý. Trong giai đoạn trước đây khi phải dùng ngân sách nhà nước để bù lỗ, đã tạo những kẽ hở phát sinh tiêu cực. Theo kiến nghị của các công ty này, nếu quy định sử dụng quỹ rõ ràng, cụ thể ở một mức cố định trong từng thời kỳ cụ thể thì khi quyết toán việc trích nộp và sử dụng sẽ rất đơn giản, tạo động lực cho DN kinh doanh có lãi, còn ngược lại DN sẽ buông cho lỗ và kê khống chi phí để chuyển thành lãi cho các công ty “sân sau”. Với cách thức bù lỗ trước đây, một số DN sẽ dùng “chiêu” tăng cước phí vận chuyển mà thực chất những công ty vận chuyển kia là “sân sau” của họ. Tiền quyết toán bù lỗ của Nhà nước chảy vào những công ty này. Một “chiêu” khác cũng đã được nhận diện qua kinh nghiệm bù lỗ năm 2008 là chuyển kho lòng vòng để phát sinh chi phí. DN đầu mối thuê kho của khách hàng rồi chuyển hàng về kho đó dưới hình thức gửi hàng, sau một thời gian lại chuyển sang hàng bán và phải trả chi phí thuê kho. Khách hàng của DN đầu mối kia vừa được lợi chậm trả tiền hàng, vừa được thêm khoản thu. Ngoài ra, còn phát sinh các chi phí như hao hụt vận chuyển, xuất nhập kho... Phương án giảm giá bán lẻ trong nước, theo một số DN, có thể được tính tới khi giá nhập khẩu tiếp tục giảm và việc điều hành sử dụng quỹ bình ổn giá rõ ràng hơn.
Theo L.N.Minh - C.V.Kình
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ