Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch: áp dụng tại 63/63 tỉnh thành
Khẳng định tầm quan trọng của công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, đăng ký, quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền hợp pháp của công dân, đảm bảo thực hiện một số quyền con người cơ bản, thiết yếu như quyền được khai sinh, có họ, tên, xác định mối quan hệ cha-mẹ-con…, có ý nghĩa không nhỏ trong việc quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của quốc gia…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, hiện nay trong bối cảnh Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới, tiến hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, xã hội, góp phần đảo đảm ngày một tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23/01/2017 phê duyệt Chương trình CRVS, giai đoạn 2017-2024 và Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Cho tới nay đã Chương trình đã trải qua 3 năm triển khai, Bộ Tư pháp tích cực phối hợp làm việc với các Bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ đó đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng đồng thời cũng còn những tồn tại và hạn chế, khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai.
Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thông tin tại hội nghị, trong 3 năm qua, Bộ Tư Pháp đã thường xuyên trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương; trả lời 888 công văn hướng dẫn nghiệp vụ; có văn bản trao đổi với các bộ, ngành có liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Bộ Tư pháp cho tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình đăng ký thống kê hộ tịch tại các địa phương. Các Sở Tư pháp cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tình hình đăng ký hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Theo đó, Bộ đã xây dựng và phê duyệt đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” từ năm 2015. Ban đầu, Đề án chỉ thực hiện thí đểm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau đó, Bộ quyết định mở rộng phạm vi triển khai trên toàn quốc. Kết quả là đến nay, Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã được áp dụng tại 63/63 tỉnh thành, trong đó hơn 40 địa phương đã kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/thành phố với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung để thực hiện liên thông thủ tục hành chính: đăng lý khai sinh- cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…
Tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử vẫn là thách thức lớn
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình CRVS vẫn còn có nhiều khó khăn và thách thức. Một trong số đó là công tác thống kê, công bố số liệu sinh, tử. Cụ thể, nguồn số liệu sinh tử chỉ có một (sự kiện hộ tịch thực tế), nhưng lại có nhiều cơ quan có trách nhiệm thu thập số liệu thống kê. Mỗi cơ quan lại thống kê theo cách thức khác nhau, chủ yếu phục vụ mục đích quản lý của ngành mình mà chưa có sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu.
Nhiều địa phương không lấy được tổng số sinh, tử thực tế từ ngành y tế mà công chức tư pháp-hộ tịch phải trực tiếp thông kê từ các nguồn như: trưởng thôn, bản/Tổ trưởng dân phố…dẫn đế tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử vẫn là một thách thức lớn.
Đối với quy định về cấp Giấy báo chứng tử, theo quy định tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và nhiệm vụ được giao trong Chương trình CRVS, Bộ Y tế có trách nhiệm về xây dựng Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp và biểu mẫu Giấy báo tử. Tuy nhiên cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được thông tư này. Chính vì vậy, việc đăng ký khai tử tại các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Phản ánh về vấn đề này, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, xây dựng thông tư về giấy báo tử, thu thập về nguyên nhân tử vong giấy báo tử là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng chính phủ giao Bộ Y tế thực hiện, nhưng đang vấp phải nhiều vướng mắc.
“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến 2024, ngành Y tế phải thu thập được 50% nguyên nhân tử vong tại cộng đồng. Thế nhưng đây được xem là thách thức lớn. Trong thông tư quy định về cấp giấy báo tử còn yêu cầu cấp giấy chứng nhận về nguyên nhân tử vong y tế, tuy nhiên Bộ Y tế chỉ thu thập được nguyên nhân tử vong và cấp giấy chứng tử cho những người chết tại cơ sở y tế, còn lại đối với nguyên nhân tử vong liên quan đến thi hành án tử hình hay chết ngoài cộng đồng…lại liên quan đến ủy ban cấp xã, tòa án, Bộ Công an…Yêu cầu đặt ra lúc này là cần phải có một cơ chế phối hợp về trách nhiệm và Bộ Y tế không có thẩm quyền quy định trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết.
Trước những khó khăn và thách thức, Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra một số giải pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ trong việc cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử hiện có; có giải pháp để các định tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử. Bộ Y tế cần khẩn trương triển khai nhiệm vụ được trao trong Chương trình CRVS; có giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng sinh, thu thập, thống kê sốn liệu sinh, tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; chia sẻ, thống nhất với ngành Tư pháp để tính tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử…