Vận động, giải thích “thấu tình, đạt lý”

Đó chính là kinh nghiệm mà những người làm dân vận ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà rút ra từ thực tiễn quá trình vận động nhân dân chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa phục vụ công tác chỉnh trang đô thị của thành phố.

Đó chính là kinh nghiệm mà những người làm dân vận ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà rút ra từ thực tiễn quá trình vận động nhân dân chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa phục vụ công tác chỉnh trang đô thị của thành phố.

Mô tả ảnh.
Nhân dân phường Phước Mỹ đồng thuận di dời phục vụ công tác chỉnh trang đô thị.
Kiên trì vận động

Tháng 3 năm 2010, chính quyền phường Phước Mỹ chuẩn bị tiến hành cưỡng chế các hộ kinh doanh ven biển Mỹ Khê để lập lại trật tự, cảnh quan du lịch khu vực biển. “Kiên quyết không đi, bất chấp mọi nỗ lực thuyết phục của chính quyền, bằng mọi giá sẽ ở lại” là tâm lý của những hộ kinh doanh này. Chẳng lẽ phải chấp nhận nhìn cảnh các lực lượng chức năng buộc phải vào cuộc để cưỡng chế? Ông Lê Văn Bình, chuyên trách công tác dân vận phường Phước Mỹ, một trong những điển hình xuất sắc trong công tác vận động quần chúng ở quận Sơn Trà tâm sự: “Sau khi nghe xong kế hoạch cưỡng chế những hộ dân này, tôi thấy tình hình thật sự căng thẳng nên liền xuống tận nơi.
Từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm, tôi rỉ tai từng người, từng gia đình, phân tích cho họ những điều đúng sai. Và bảo đảm với họ, nếu có vấn đề còn vướng mắc thì tôi cũng sẽ theo họ đến gặp các cơ quan chức năng để hỏi, còn bây giờ họ không thể ù lì không chịu di dời vì đây là chủ trương đúng đắn của thành phố. Tôi nói, phải làm sao để lực lượng cưỡng chế bị thất nghiệp thì bà con mới thành công, chứ để họ đến tháo dỡ thì lại ảnh hưởng đến uy tín, đến cuộc sống sau này”.

Chính nhờ kiên trì thuyết phục mà ngay trong đêm đó, những hộ kinh doanh này đã đồng ý chuyển đồ đạc đi nơi khác. Đến sáng hôm sau, lực lượng cưỡng chế chỉ còn nhiệm vụ là giúp chuyển vật kiến trúc đã tháo dỡ đến nơi họ yêu cầu. Như vậy, không cần đến sự can thiệp của lực lượng cưỡng chế mà chỉ bằng vận động, thuyết phục, ông Lê Văn Bình đã tìm được tiếng nói đồng thuận của người dân. Để sau đó, việc giải tỏa, di dời những hộ kinh doanh nói trên tiến hành một cách thuận lợi.

Giải thích cho “thấu tình, đạt lý”

Ông Bình tâm sự: “Muốn vận động cho người dân nghe theo thì phải xuống tận nơi, giải thích cặn kẽ cho cạn lý, cạn tình, nếu đúng thì nói cho họ hiểu, còn sai thì chính quyền phải dám chịu trách nhiệm. Có như vậy, người dân mới hiểu đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính quyền và chấp hành tốt được”. Nhờ cách làm này mà những năm qua, phường Phước Mỹ đã vận động hơn 50% hộ dân thực hiện di dời, giải tỏa để phục vụ công tác tái định cư, chỉnh trang đô thị của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện di dời, không phải hộ dân nào cũng chấp hành ngay việc bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. “Nhiều hộ gia đình sống ở đây cả mấy chục năm, nhà thờ, tộc họ còn đó nên họ không muốn đi nơi khác. Có hộ ban đầu thấy bị mất đất, mất nhà, lại tính toán so sánh thiệt hơn và do dự không muốn chuyển đi”, ông Bình nói.

Trên thực tế, không dễ gì khi tìm được sự đồng thuận của người dân trong công tác di dời, nhất là đối với những gia đình đã ăn đời ở kiếp, trải qua bao thế hệ ở mảnh đất Phước Mỹ. Cái cảm nhận ban đầu khi phải chuyển đến một nơi ở mới, nhà cửa, đất đai thu hẹp, công việc mưu sinh bị ảnh hưởng đã khiến cho nhiều hộ dân phân vân, chần chừ không muốn đi. Thế nhưng, hiểu rõ tâm lý này, những người làm dân vận ở phường Phước Mỹ đã giải thích cặn kẽ những chuyện thiệt hơn để bà con đồng thuận nghe theo. Và đến nay, khi những khu tái định cư với những dãy nhà khang trang, hiện đại mọc lên, đường sá đi lại thuận tiện, người dân Phước Mỹ đã có thể mỉm cười tự hào về những thành quả mà mình góp công gây dựng nên.

Từ thực tiễn công tác dân vận ở phường Phước Mỹ cho thấy, để người dân đồng thuận thì chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các Ban Dự án phải sát dân, gần dân, hiểu dân. Những điều dân chưa hiểu, chưa biết thì giải thích cho bằng hết một cách công khai, minh bạch. Ngay từ khi lập quy hoạch, khảo sát, kiểm định, áp giá, đền bù, các Ban Dự án phải nắm được tình hình thực tế và nguyện vọng của từng hộ dân. Nếu các Ban Dự án phối hợp tốt với chính quyền thì những tâm tư, nguyện vọng của người dân sẽ sớm được giải quyết.
Và đến lúc cần, vận động cũng dễ dàng hơn. Hiện tại, đối với các hộ dân ở Phước Mỹ phải di dời phục vụ dự án cầu Rồng và đường Nguyễn Văn Linh nối dài, công tác dân vận cũng thực hiện theo hướng gần dân, sát dân, giải thích cặn kẽ thấu tình, đạt lý để người dân đồng thuận hưởng ứng chủ trương của thành phố. Kinh nghiệm từ quá trình vận động nhân dân thực hiện công tác di dời sau nhiều năm, ông Lê Văn Bình cho rằng: “Nếu chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các Ban Dự án phối hợp tốt thì khi tiếp cận với dân sẽ dễ dàng hơn và vận động họ nghe theo sẽ thuận lợi hơn”.

Bài và ảnh: HÀ AN

Đọc thêm