Vận động trên 30 tấn gạo phát gạo miễn phí cho người nghèo ở Rạch Gía

(PLVN) - Sáng 21/4, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đã diễn ra chương trình phát gạo tự động cho người nghèo do UBND TP Rạch Giá đứng ra vận động các mạnh thường quân nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. 

Ngay trong buổi sáng phát gạo đầu tiên đã có 4 doanh nghiệp tham gia ủng hộ cho chương trình phát gạo của UBND TP Rạch Giá. Đến nay, UBND TP Rạch Giá đã vận động được trên 30 tấn gạo, dự kiến sẽ phát gạo đến hết tháng 4/ 2020, sau đó tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh sẽ phát gạo tiếp theo.

 Người dân xếp hàng, giữ đúng khoảng cách khi đến lấy gạo vào sáng 21/4.

Mỗi người dân gặp khó khăn đều được nhận 2kg gạo/người/lần/ngày. Gạo được phát 2 lần/ngày, sáng từ 8h đến 11h30 và chiều 14h đến 17h30, hàng ngày trong tuần. Nguồn gạo được quyên góp từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Mọi người đến nhận gạo, để bảo đảm trật tự và an toàn phòng dịch như xếp hàng giãn cách 2m, đo thân nhiệt, rửa tay trước khi vào lấy gạo tự động.

 Người dân nhận gạo được đo thân nhiệt.

Ông Phan Văn Thành, bị khuyết tật, nhà ở đường Mạc Đĩnh Chi (TP Rạch Giá, Kiên Giang) đến nhận gạo vui mừng cho biết: Hàng ngày đi bán vé số dạo, từ khi ngưng bán đến nay, gia đình không có thu nhập gặp rất nhiều khó khăn. Có điểm phát gạo tự động của TP, tôi rất vui mừng được hỗ trợ phát gạo miễn phí. Cám ơn mạnh thường quân đã hỗ trợ cho người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

 Người dân xếp hàng chợ tới lượt nhận gạo.

Trước đó, vào sáng 20/4, ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) buổi phát gạo miễn phí cho người nghèo, gặp khó khăn, không có nguồn thu nhập trong những ngày "cách ly toàn xã hội" do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầu tiên được tổ chức tại Kiên Giang do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thắng, cùng nhà hảo tâm chung tay thực hiện.

 Nhiều người  đến nhận gạo.

Theo dự tính bước đầu, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 300.000 đối tượng cần được hỗ trợ với số tiền gần 600 tỷ đồng theo nghị quyết của Chính phủ, trong đó có 2 loại chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ trực tiếp cho người dân khó khăn (có 6 nhóm đối tượng), dự kiến có trên 290.000 người được hỗ trợ, tương đương số tiền hỗ trợ 530 tỷ đồng; hỗ trợ cho vay đối với người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu cùng với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, nếu các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ đăng ký và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trực tiếp cho vay, dự kiến cần vay cho 10.000 lao động với số tiền ước tính 52 tỷ đồng.

Đọc thêm