Văn hóa đọc, cần được khôi phục

Vừa qua, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban điều hành dự án giáo dục Sachhay.com tổ chức hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Lướt qua hai mươi tham luận, dễ dàng nhận ra tình trạng văn hóa đọc hôm nay là rất đáng báo động.

Vừa qua, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban điều hành dự án giáo dục Sachhay.com tổ chức hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Lướt qua hai mươi tham luận, dễ dàng nhận ra tình trạng văn hóa đọc hôm nay là rất đáng báo động.

Sau đề dẫn của Vụ Thư viện, nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu mang tính khai đề về thực trạng lười đọc của người Việt Nam hôm nay. Sinh viên đọc chỉ để trả bài hay làm cho xong khóa luận. Ra trường, họ đọc để phục vụ cho mục đích thiết thực nào đó. Người Việt Nam chưa đọc như là người đọc đúng nghĩa: đọc vô vị lợi. Cho nên rất “cần khôi phục một nền văn hóa đọc lành mạnh”.

Một tham luận khác đi vào vài chi tiết đời sống với các hình ảnh sinh động hơn: Trong các chuyến đi xuyên Việt, bằng tàu lửa hay máy bay hoặc xe du lịch chất lượng cao, chú ý - dễ nhận thấy rằng, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện lặt vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: Đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây, ngược lại, dân Việt Nam. Đi vào các khu di tích văn hóa - lịch sử, trong khi người Việt Nam xách theo gói đồ ăn thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Họ đi du lịch vừa để giải trí vừa học. Hiện nay, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà một gia đình, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái ti-vi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách. Có - nhưng rất ít, chỉ lèo tèo vài chục cuốn. Hơn nửa ngàn đầu báo, tạp chí đủ loại tràn ngập thị trường. Dân Việt hôm nay đọc báo, yên tâm rằng mình đã hiểu mọi chuyện.

Thực trạng này được nhà văn Ngô Thị Kim Cúc chỉ đích danh tên tội phạm là chương trình văn và các bài văn trong sách giáo khoa, cả sách giáo khoa cấp thấp nhất, “dạy văn để giết văn”, giết luôn văn hóa đọc là vậy. Trong khi nói như Bùi Văn Nam Sơn, “ở Đức, văn hóa đọc hay thói quen đọc sách được vun đắp từ thuở bé còn… chưa biết chữ”! Đọc là một thói quen, một nhu cầu, thậm chí đọc phải trở thành một bản năng.

Vậy thì làm sao?

Quách Thu Nguyệt ủng hộ “cuộc vận động lấy chữ ký từ dự án Sachhay.com cho Ngày đọc sách Việt Nam với mong muốn hình thành ngày hội mang tầm quốc gia”. Cụ thể hơn, nhà báo Lý Trường Chiến lên kế hoạch “30 phút đọc/ngày”. Hay Nguyễn Thị Kim Thanh mong tạo được mô hình tổ chức đọc sách cho lứa tuổi thiếu nhi ngay tại thư viện tỉnh, huyện. Hoặc Inrasara “xây dựng tủ sách gia đình phục vụ cho cộng đồng”. Nếu nói gia đình là hạt nhân của xã hội, muốn văn hóa đọc phát triển mạnh và rộng khắp thì thói quen đọc phải được xuất phát điểm từ ngay trong mỗi nhà: Tủ sách gia đình, đó là ý kiến nhấn mạnh của Dương Thị Hoàng Thư.

Nhưng như thế đã đủ chưa?

Vấn đề có sách gì và đọc như thế nào cần được đặt ra. Ngoài các tác phẩm cùng tạp chí các loại thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và thực tiễn đời sống, “Kế hoạch 500 cuốn sách” của Ngô Tự Lập là rất đáng suy ngẫm.

Rồi từ khi các phương tiện nghe nhìn đủ loại phát triển nhanh chóng lấn át văn hóa đọc, sách giấy ngày càng trở nên yếu thế, nếu không muốn nói nó đang lâm vào khủng hoảng, thì cuộc cách mạng khác được khởi động: Sách điện tử e-book. Phương tiện đọc thay đổi, người đọc cần thích nghi để… tồn tại.

Nhưng dù chữ nghĩa hiện diện trên giấy hay màn hình vi tính, vấn đề thiết yếu cuối cùng cần nhấn: Đâu là nơi gợi hứng tốt nhất cho thú vui đọc? - Nhà trường, chứ không đâu khác. Chẳng những gợi hứng mà chính nhà trường còn là nơi gợi mở cho tìm tòi, sáng tạo. Ông bạn của tôi có thử làm cuộc điều tra bỏ túi các sinh viên Khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình văn học thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội về Barthes, Foucault, Derrida, Kristeva… thì nhận được câu trả lời không chút ngại ngần rằng đó là các tên tuổi hoàn toàn còn xa lạ với họ.
Riêng về thái độ đối với các loại báo của Hội Nhà văn Việt Nam, thì - rất ít người đọc. Nguyên do ư? – Không có gì để đọc cả! Sinh viên viết văn cần học/ đọc cái mới, nhưng chương trình Đại học và các loại báo chuyên văn học đã không cung cấp thông tin gì mới cho họ! Hỏi người trẻ yêu văn chương hôm nay biết gì về các trào lưu văn học đương đại? Càng không! Không, thì làm gì họ còn hứng thú dấn vào sâu hơn trong hành trình tìm tòi khai phá, cuối cùng là chấm dứt luôn cảm hứng sáng tạo, là điều khó tránh.

Inrasara

Đọc thêm