Văn hóa luôn soi đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...
 Chung sức đồng lòng, đó là giá trị về văn hóa.
Chung sức đồng lòng, đó là giá trị về văn hóa.

Hôm nay (24/11) diễn ra sự kiện lớn - Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Hội nghị này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...

Trong Di sản Hồ Chí Minh để lại, có di sản về văn hóa. Bởi, trước hết Hồ Chí Minh đã là một biểu tượng văn hóa. Tư tưởng của Bác về văn hóa có thể chỉ cần gói gọn trong câu: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Đây là tầm nhìn, là định hướng chiến lược, là sự tôn trọng và đánh giá đúng vai trò nền tảng của văn hóa - là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Từ “Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943” đến các Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946, 1948 trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng đã thể hiện ý nghĩa của văn hóa, chứng minh nhận định về văn hóa của Đảng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mọi chiến thắng của dân tộc đều là chiến thắng của văn hóa Việt Nam. Ngay cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay, đó cũng là chiến thắng của văn hóa. Con người là trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau... đó chính là văn hóa. Chung sức đồng lòng, đó là giá trị về văn hóa.

Nhà văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định giữa văn hóa, văn nghệ với kinh tế và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.

Trong một gia đình, con ngoan, học giỏi, có khát vọng vươn lên... phần lớn có dấu ấn của “nếp nhà”, “gia phong” tổ tiên, ông cha để lại. Đó là văn hóa, theo nghĩa hẹp, dễ hiểu. Đối với một xã hội, thước đo phát triển chính là văn hóa. Chính văn hóa điều tiết sự phát triển xã hội, định hướng sự phát triển và là đích phấn đấu của xã hội. Một xã hội “thượng tôn pháp luật” đó là một xã hội có văn hóa.

Đáng tiếc, kỷ cương luật pháp đôi khi còn chưa nghiêm, nhiều “giá trị” đang bị “xâm thực”... đáng lo ngại, gây ra nguy cơ phát triển bền vững của đất nước. Trong các nguyên nhân, đáng lo nhất là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo còn yếu, chưa thực sự tâm huyết, chưa có tri thức sâu sắc về văn hóa. Điều dễ thấy “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy giữ ghế” còn chi phối. Một số lãnh đạo chưa có văn hóa nêu gương, văn hóa phụng sự. Trong xã hội nói chung, “chủ nghĩa vật chất” đang được tôn thờ, làm biến thái các thang giá trị.

Tất nhiên, khác với kinh tế, văn hóa theo nghĩa rộng là một thành tố của kiến trúc thượng tầng, không dễ một sớm, một chiều, một vài nhiệm kỳ có thể xây dựng được. Xây dựng văn hóa, suy cho cùng là xây dựng con người có tầm nhìn, tri thức mới, trách nhiệm xã hội với chiều sâu và rộng về văn hóa.

Đọc thêm