Văn hóa pháp luật vì đất nước hùng cường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách đây 10 năm, ngày 20/6/2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa 13 thông qua. Điều 8 Luật này quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Văn hóa pháp luật vì đất nước hùng cường

Xã hội văn minh là xã hội con người có thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật, văn hóa pháp lý được ngấm sâu vào đời sống, trở thành thành tố không thể thiếu của văn hóa nói chung. Trình độ văn hóa pháp luật của một quốc gia nào cũng vậy, là một thang nấc trong quá trình tiếp biến không ngừng của văn minh.

Cũng cần nhắc lại, văn hóa pháp luật không phải là thuật ngữ của giới luật học thuần túy, kiểu như khế ước, nghĩa vụ, lỗi, hành vi hay chế tài, mà là một đại lượng gắn liền với xã hội học pháp luật hoặc nhân chủng học có liên quan đến pháp luật. Xa hơn nữa, nó có thể liên quan đến triết học pháp quyền... Tóm lại, văn hóa pháp luật là một cách nhìn về luật pháp, đặt pháp luật trong những tương quan đa chiều với khoa học hành vi, cách nghĩ, cách ứng xử, tôn giáo, niềm tin, các đặc tính nhân học của các cộng đồng và tộc người.

Năm nay là năm thứ 10 Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức. Đây là dịp để chúng ta đánh giá lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Hẳn nhiên, làm việc này có ý nghĩa giáo dục, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cũng xin nhắc lại, Nhà nước pháp quyền XHCN là một thành tố trung tâm của hệ thống chính trị nước ta. Đại hội XIII của Đảng chỉ ra trong thời gian tới phải: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”.

Tất nhiên, tùy góc quán chiếu có nhiều “lát cắt”. Còn rất lâu mới có Nhà nước pháp quyền XHCN, nếu doanh nghiệp nhăm nhăm tìm kẽ hở để lách luật; còn rất lâu mới có Nhà nước pháp quyền XHCN nếu người dân ra đường cho phép mình “vượt đèn đỏ”, không chấp hành các quy định nơi công cộng?

Văn hóa pháp luật mà chúng ta đang hướng đến có ý nghĩa toàn diện. Thiếu nó, không thể có đất nước phát triển bền vững, thực hiện được khát vọng hùng cường, xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đọc thêm