(Ý kiến trao đổi giữa phóng viên Báo Hải Phòng với nhà văn Đoàn Lê- hội viên Hội Nhà văn Việt Nam về văn học dịch)
- Chào nhà văn Đoàn Lê! Tôi có trong tay cuốn sách “Giường đôi xóm Chùa” của chị được dịch ra tiếng nước ngoài. Nhưng đó không phải là tiếng Anh, Nga?
- Vâng! Đó là tiếng Thụy Điển.
- Chị hãy nói xuất xứ việc dịch cuốn sách này? Phải chăng chị được bạn bè giới thiệu ?
- Vài năm trước, một nhà xuất bản ở Mỹ dịch và ấn hành tập truyện ngắn “Nghĩa địa xóm Chùa” của tôi. Sau đó, qua con đường giao lưu văn học, họ giới thiệu tôi với một nhà xuất bản khác của Thụy Điển để dịch tiếp tập truyện ngắn “Giường đôi xóm Chùa” (bao gồm các truyện ngắn được ấn hành trong nước, trong đó có những truyện ngắn được giải thưởng Văn học quốc gia và giải thưởng Văn học Hải Phòng ). Như vậy, không phải do các “kênh trong nước” giới thiệu mà chính từ nhà xuất bản nước ngoài chủ động việc này. Tuy nhiên, quá trình này tuân theo trình tự như sau: Phía dịch và ấn hành tập truyện của tôi sau khi được giới thiệu, họ tìm đến Hội Nhà văn Việt Nam- nơi quản lý các hội viên (trong đó có tôi) để tìm hiểu tác giả, tác phẩm. Sau đó, họ gặp tôi để tìm hiểu thêm thông tin, ký hợp đồng về việc dịch tác phẩm.
- Khi sách ra, chị có những quyền lợi gì?
- Như hợp đồng đã ký, nhà xuất bản gửi tác giả nhuận bút dứt điểm cho mỗi tập truyện. Ngoài ra, còn một khoản tạm gọi là “lợi nhuận” từ việc bán sách trong chương trình quảng bá tác phẩm trong các trường học tại Mỹ. Đây là nhà xuất bản phi lợi nhuận mang tính tuyên truyền giao lưu các nền văn hóa.
- Trong tập truyện của chị viết về chung quanh xóm Chùa, một phần hiện thực đời sống nơi chị ở được chị thể hiện rất chân thực. Nhưng trong bản dịch có đúng như vậy không? Làm thế nào để chị biết được độ “dịch chuẩn” đối với tác phẩm của mình
- Đúng là điều này thì tôi .. mù mịt. Vì mình không có ngoại ngữ, cơ hội ra nước ngoài càng không. Tôi đành nhờ một số dịch giả có tên tuổi, ví dụ như anh Dương Tường “thẩm định một lần nữa”. Anh ấy bảo: Họ dịch tốt đấy. Thế là tôi yên tâm.
- Như vậy, có thể thấy chung quanh việc dịch truyện của chị ra tiếng nước ngoài, chị hoàn toàn bị động. Nếu Hải Phòng có tổ chức cho các dịch giả, liệu tình trạng trên có được khắc phục?
- Khắc phục hiện tượng bị động khi có tác phẩm văn học được dịch là một quá trình cần có thời gian. Vì theo tôi biết, chung quanh mảng văn học dịch hiện nay còn nhiều bất cập. Nhìn tổng thể, chúng ta thiếu một tổ chức thống nhất về đội ngũ những người dịch thuật. Nếu Hội Liên hiệp VHNT thành phố có thêm hội chuyên ngành dịch thuật cho văn học thì quá tốt. Vì nó sẽ làm cho diện mạo văn học nghệ thuật thành phố Cảng thay đổi phù hợp với xu thế hội nhập, giao lưu và mở cửa. Không nhen nhóm việc dịch thuật, quảng bá tác phẩm (mà là những tác phẩm đáng nể cả), thì văn học nghệ thuật Hải Phòng ở trong tình trạng “ bế quan tỏa cảng” quá lâu. Và đó là điều không ai mong muốn.
- Xin cảm ơn nhà văn Đoàn Lê!