Trước hết, xin chúc mừng ông vừa được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII tiếp tục tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020. Ông có thể chia sẻ với độc giả của PLVN về những thành tựu của Thanh Hóa trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Thanh Hóa hiện là địa phương có môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song với truyền thống cách mạng, đoàn kết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong gần 30 năm đổi mới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; huy động vốn cho đầu tư phát triển vượt kế hoạch; nhiều dự án lớn được khởi công xây dựng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường.
Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn xếp trong tốp đầu cả nước. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và hiệu quả hơn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên; cải cách hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyển biến tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đạt cao nhất từ trước đến nay, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 11,4%, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới. Năm 2015, GDP (theo giá so sánh năm 1994) ước đạt 34.891 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, xếp thứ 8 cả nước; GDP bình quân đầu người ước đạt 1.530 USD, gấp 1,9 lần, tăng nhanh hơn so với mức tăng trung bình của cả nước...
Với những kết quả đáng tự hào trên, ông có thể cho biết cụ thể hơn những đổi mới và thành tựu trong cải thiện môi trường đầu tư của Thanh Hóa trong những năm qua?
- Môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa được cải thiện mạnh mẽ trong những năm qua; huy động vốn cho đầu tư phát triển vượt kế hoạch; nhiều dự án lớn được khởi công; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Công tác vận động, xúc tiến đầu tư được đổi mới, gắn hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch; nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài được tổ chức. Giai đoạn 2011 - 2015 đã thu hút 560 dự án đầu tư (có 25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng và 2,56 tỷ USD (gồm cả dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2); điều chỉnh tăng vốn 32 dự án FDI với số vốn tăng thêm 3 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 59 dự án với tổng vốn đăng ký 12,8 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.
Tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm ước đạt 322.936 tỷ đồng, vượt 4,2% mục tiêu đại hội, gấp 3,8 lần giai đoạn 2005-2010. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách, tăng nhanh vốn FDI, vốn tín dụng, vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác. Các dự án lớn như: Đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường vành đai phía Tây TP Thanh Hoá; Cảng hàng không Thọ Xuân; sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC, hệ thống kênh tưới thuộc công trình hồ chứa nước Cửa Đạt... được khởi công xây dựng. Các cầu Nguyệt Viên, Yên Hoành, Chiềng Nưa được hoàn thành; cầu Bút Sơn, Cầu Thắm dự kiến hoàn thành cuối năm 2015; nhiều tuyến đê sông, đê biển, công trình hồ đập, trạm bơm, kênh mương, các cảng cá, âu tránh trú bão cho tàu thuyền được đầu tư, nâng cấp.
Các công trình văn hóa lớn như: Chính điện Lam Kinh, Đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo, Nhà hát Lam Sơn, Thư viện tỉnh... được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cơ sở vật chất y tế, trường học được tăng cường, đã kiên cố hóa 2.200 phòng học và 353 nhà công vụ giáo viên; tăng thêm 1.255 giường bệnh; trang bị thêm một số trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Hệ thống đô thị phát triển theo quy hoạch, phân bố tương đối hợp lý giữa các vùng miền; toàn tỉnh hiện có 35 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III và 32 đô thị loại V. Tỷ lệ dân số đô thị đạt 25,8%, vượt mục tiêu đại hội.
|
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến |
- Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;
Coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân;
Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thứ nhất, phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...; ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, TP Thanh Hóa và các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực.
Thứ hai, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành các mục tiêu Đại hội quyết định.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020.
Tôi nghĩ rằng: Chúng ta đang đứng trước thời cơ, vận hội rất lớn để đưa tỉnh Thanh Hoá trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đều “Thống nhất về nhận thức, quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong hành động” thì nhất định sẽ thành công.
Thống nhất về nhận thức ở đây là thống nhất 3 vấn đề là: Truyền thống, lịch sử, văn hoá, cách mạng hào hùng; thời cơ, vận hội mới; sức mạnh của 3,5 triệu người dân Thanh Hoá. Từ thống nhất về nhận thức mà phải quyết tâm trong ý chí rằng: đến năm 2020 Thanh Hóa phải trở thành tỉnh khá của cả nước và đến năm 2030 phải cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Và cũng từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên trong bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải quyết liệt trong hành động của mình để thực hiện nhiệm vụ. Nếu thực hiện tốt những vấn đề nêu trên thì nhất định Thanh Hóa sẽ thành công; nhất định đời sống vật chất và tinh thần của người dân từ nay đến năm 2020 sẽ cải thiện rõ rệt và nhất định Thanh Hoá sẽ có vị thế lớn trong bước đường phát triển đi lên của cả nước.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Tư pháp trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa?
- Ngoài nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc phòng thì trong công cuộc cải cách môi trường đầu tư của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội không thể không nói đến vai trò của Tư pháp Thanh Hóa khi đã góp phần minh bạch hoá các quy định pháp luật, cơ chế chính sách do Trung ương và tỉnh ban hành giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp Thanh Hóa thường xuyên triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các ban ngành tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, nghiệp vụ pháp chế ngành pháp chế doanh nghiệp. Bám sát nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các mặt công tác, ngành Tư pháp Thanh Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định kiểm tra rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Tích cực tham mưu bãi bỏ những quy định pháp luật gây cản trở phiền hà cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, góp phần xây dựng hệ thống pháp lý minh bạch, thông thoáng tạo cơ chế khuyến khích đầu tư. Phối hợp với các ban ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện tốt “Chương trình cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính cải cách tư pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư và ổn định phát triển.
Cảm ơn ông và chúc Thanh Hóa sẽ đạt được nhiều thành công trong thời gian tới!