Câu chuyện về nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc (đóng tại KCN Liên Chiểu, Đà Nẵng) thời gian qua bị người dân vây dai dẳng, không cho sản xuất, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Về phía cơ quan chức năng, tại Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 4 do Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua, vấn đề này đưa ra bàn thảo nhưng số phận 2 nhà máy thép này vẫn chưa được định đoạt.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, thực hiện kết luận Thanh tra ngày 3/10, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai những việc liên quan tới chức năng nhiệm vụ của mình, trong đó xử lý vi phạm liên quan tới môi trường.
Sở đã có báo cáo ngày 30/10 liên quan đến việc xử lý ô nhiễm hai nhà máy Dana Úc, Dana Ý.
Trong xử lý vi phạm, thực hiện theo Nghị định 115/2016, trong đó liên quan những vi phạm của 2 nhà máy, trên tinh thần đã xử phạt với số tiền tương ứng, đồng thời tạm dừng hoạt động trong 6 tháng. Tuy nhiên, trong 6 tháng nếu 2 nhà máy khắc phục được những vấn đề vi phạm, có thể cho phép hoạt động lại được.
|
Sự việc ảnh hưởng tới an ninh trật tự thời gian qua ở địa phương |
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, với những lùm xùm của 2 nhà máy thép, chính quyền cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm. “Nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều lắm, người dân, suốt ngày nói chuyện đi hay ở, còn doanh nghiệp nói sản xuất không được, phải trả lãi suất cho ngân hàng, lo cho công nhân. Chúng ta cũng thấy được nỗi niềm của doanh nghiệp khi người ta phải dừng sản xuất như thế này, nên tôi đề nghị sớm có giải pháp trên cơ sở đảm bảo quy định, vận dụng làm sao đó hài hòa lợi ích của nhà nước, của nhân dân, của doanh nghiệp và báo cáo việc này trước kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2018”, ông Trung nói thêm.
Trong khi đó, trước kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đối với việc ô nhiễm môi trường tại nhà máy sản xuất thép Dana Ý, phía Công ty đã có văn bản kiến nghị đối lãnh đạo TP Đà Nẵng về kết luận chưa đúng này. Đồng thời đề nghị cho công bố kết quả quan trắc môi trường của nhà máy trong 2 kỳ đo đạc vừa qua để nhân dân cả nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam cũng như TP. Đà Nẵng và doanh nghiệp được biết.
|
Phía nhà máy thép kiến nghị thành phố cung cấp kết quả quan trắc môi trường; cho rằng việc người dân gây cản trở, ảnh hưởng đến sản xuất, thành phố phải chịu trách nhiệm |
Tại công văn gửi lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Công ty Thép Dana Ý cho rằng, kết luận Thanh tra về sai phạm môi trường này mới căn cứ trên thủ tục hành chính và hồ sơ dự án hiện có, chứ không căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường và tình hình thực tế của nhà máy.
Công ty Dana Ý cho biết, từ ngày đi vào hoạt động, Công ty đã có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng đến năm 2015 Công ty đã tiến hành lập lại ĐTM theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường và đã có công văn đề nghị thẩm định, phê duyệt vào tháng 1/2015. Ngày 12/2/2015, Hội đồng thẩm định thông qua ĐTM với điều kiện bổ sung một số nội dung Hội đồng đã góp ý.
Tuy nhiên, UBND TP vẫn không có văn bản trả lời kết quả cũng như chưa phê duyệt ĐTM điều chỉnh do vướng (trở ngại khách quan) về khoảng cách cách ly an toàn của Cụm công nghiệp Thanh Vinh và thành phố trước đây cũng đã có chủ trương quy hoạch khu dân cư cách ly ra khỏi nhà máy. Như vậy, lỗi này không thuộc về Công ty mà là lỗi của TP Đà Nẵng, thế nhưng Thanh tra không căn cứ vào tình hình thực tế như vậy nên đã có kết luận không đúng.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Cty Thép Dana Ý chia sẻ: “Khi Cty chuyển nhà máy từ KCN Hòa Khánh về Cụm công nghiệp Thanh Vinh là do TP Đà Nẵng tự bố trí vị trí và chúng tôi buộc phải thực hiện. Đồng thời, việc cấp đất cho người dân sát nhà máy là lỗi của các cơ quan cấp phép và chúng tôi là “nạn nhân” của vấn đề quy hoạch này". Ông Tân cũng đồng thời cho rằng, TP chậm giải quyết, để người dân vây nhà máy, không hoạt động sản xuất được thì thành phố phải bồi thường thiệt hại.