Vàng mã đưa tang "nhăm nhe" tính mạng người đi đường

(PLO) - Ban quản lý khai thác đường ôtô cao tốc ước tính trung bình mỗi ngày có 10-12 đoàn xe phục vụ tang lễ lưu thông. Xe tang đi đến đâu là nhà có đám rải tiền vàng đến đó, nhất là đoạn từ nút giao quốc lộ 10 Hải Dương đến nút giao đường Phạm Văn Đồng (Hải Phòng). Giấy tiền vàng bay vào kính làm khuất tầm nhìn người lái xe, làm tăng nguy cơ tai nạn. 
Vàng mã đưa tang "nhăm nhe" tính mạng người đi đường

Nguy cơ tai nạn, lãng phí xã hội từ vàng mã

Động thái này của UBATGT là cần thiết khi mà trên một số tuyến đường cao tốc hiện nay, người tham gia giao thông liên tục kêu ca về tục rải vàng mã đám ma ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Đơn cử như trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, người tham gia giao thông liên tục gặp vấn nạn rải vàng mã do tuyến đường nằm gần đài hóa thân trên đường Phạm Văn Đồng (Hải Phòng).

Ban quản lý khai thác đường ôtô cao tốc ước tính trung bình mỗi ngày có 10-12 đoàn xe phục vụ tang lễ lưu thông. Xe tang đi đến đâu là nhà có đám rải tiền vàng đến đó, nhất là đoạn từ nút giao quốc lộ 10 Hải Dương đến nút giao đường Phạm Văn Đồng (Hải Phòng). Giấy tiền vàng bay vào kính làm khuất tầm nhìn người lái xe, làm tăng nguy cơ tai nạn. 

Theo Cục Văn hóa thông tin cơ sở, việc đốt, rải vàng mã trong tang lễ, tế cúng có nguồn gốc từ Trung Quốc (người Hoa từ thời Hán, Đường). Sau thời kỳ đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài, tập tục này đã ảnh hưởng đến Việt Nam.

Việc rải, đốt vàng mã là một hủ tục không phải của người Việt mà chỉ là hủ tục của người Hoa và hiện họ không còn thực hiện hủ tục này. Việc hạn chế đi đến chấm dứt, bài trừ hủ tục rải, đốt vàng mã hoàn toàn không phương hại gì đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vong linh của người Việt. Bởi vì hạt nhân của tín ngưỡng này là tôn trọng, phụng thờ, tưởng nhớ người đã khuất. Đó là những gì thanh khiết như hương hoa, quả phẩm, các động tác lễ bái trang trọng, chứ không phải đốt minh khí, áo giấy, vàng mã chất chồng.

Việc rải vàng mã trên đường đưa tang là một thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian vì trong suy nghĩ của nhiều người, nếu không làm vậy sẽ bị thiên hạ bàn tán, còn người quá cố buồn.

Không chỉ là hủ tục, việc rải vàng mã trên đường còn gây lãng phí nghiêm trọng vì bình quân mỗi đám tang xài khoảng 200-300 ngàn đồng tiền mua vàng mã, tiền âm phủ, muối để rải trên đường. Có đám còn rải cả tiền thật, là một sự lãng phí quá lớn.

Đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cắm biển cấm rải vàng mã ở đầu đường cao tốc từ nút giao Phạm Văn Đồng
Đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cắm biển cấm rải vàng mã ở đầu đường cao tốc từ nút giao Phạm Văn Đồng

Phạt tiền nếu rải vàng mã trên đường

Ngày 9/3/2016, để “tuyên chiến” với vàng mã UBATGT quốc gia đã có công điện gửi các ban ngành liên quan nhấn mạnh việc trong thời gian qua trên nhiều tuyến đường bộ và đường đô thị của cả nước tình trạng rải vàng mã khi đưa tang diễn ra khá phổ biến không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan, mất vệ sinh môi trường, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ phương tiện lưu thông với tốc độ cao.

Công điện đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Giáo hội phật giáo tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động tăng ni, phật tử thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, giảm thiểu và tiến đến chấm dứt việc rải tiền, vàng mã trên đường gây mất an toàn giao thông. 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật về nếp sống văn minh trong việc tang; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã; yêu cầu các cơ sở sản xuất, buôn bán vàng mã, cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn gia đình người có tang không được rải tiền, giấy vàng mã, tiền thật hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang…

Ở góc độ chính sách pháp luật, năm 1998 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 27 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tại Quyết định số 130 ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam cũng ghi rõ: “Nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền bằng bất kỳ hình thức nào”; điểm e Điều 10 Thông tư số 04 ngày 21/1/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo khoản 2 Điều 18 Nghị định số 75 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa...

Nhiều địa phương đã làm tốt việc thực hiện nếp sống văn minh không rải vàng mã trên đường đưa tang như: năm 2014 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quy định một số vấn đề trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, trong đó cấm rải vàng mã trên 15 tuyến đường; thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có văn bản chỉ đạo các xã, phường phân công thêm người để vận động nhân dân khi đưa tang không rải vàng mã dọc đường; thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) thường xuyên tổ chức vận động, tuyên truyền nhân dân không được rải vàng mã xuống đường khi đưa đám tang; chính quyền thành phố Đà Nẵng trong năm 2015 đã thí điểm việc phạt tiền hoặc rút giấy phép kinh doanh cơ sở tang lễ nếu không có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu gia đình người có tang không rải tiền, đồ vàng mã trên đường khi đưa tang… 

“Tục đốt, rải vàng mã không xuất phát từ Phật giáo. Trong kinh Phật không dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã. Một số người làm việc này chỉ để thể hiện tình cảm của mình dành cho người đã khuất, có người chỉ thực hiện theo thói quen hoặc làm theo người khác. Nhìn ở khía cạnh thực tế thì việc làm này hoàn toàn không có ích mà còn gây lãng phí. Vì vậy, để đảm bảo các điều kiện về môi trường, mỹ quan đô thị và đặc biệt là tránh lãng phí, phật tử nên hạn chế và tiến dần tới xóa bỏ tục lệ này” – cố Hòa thượng Thích Huệ Hiền – Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

Đọc thêm