|
Lễ hội đền Trần. Ảnh: Thu Hà |
Theo sử sách, tổ tiên nhà Trần vốn "đời đời làm nghề cá" vùng ven sông Vĩnh Giang, sau định cư lên bờ ở hương Tức Mặc, đến Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông) là đời thứ 5. Sử cũ còn ghi nhiều lần vua Trần về thăm hương Tức Mặc, làm lễ hưởng ở Tiên Miếu. Năm Kỷ Hợi (1239), tức 13 năm sau khi nắm giữ vương triều, nhà Trần đã phong cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, về hương Tức Mặc dựng cung điện, nhà cửa. Từ đó hàng năm vua Trần đều về ngự ở hành cung Tức Mặc, ban yến cho các bô lão và trong một lần về quê, Trần Thái Tông đã đổi hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường.
Thiên Trường thời Trần không chỉ là quê hương và đất thang mộc của nhà Trần mà còn được coi là nơi "định đô" của bộ tham mưu chính sự của triều đại nhà Trần. Thượng hoàng ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ. Cũng có khi từ Thiên Trường, Thượng hoàng đột xuất lên kinh đô để kiểm tra công việc chính sự của vua và có những chỉ bảo, chấn chỉnh kịp thời. Trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, Thiên Trường đều là căn cứ địa quan trọng để triều đình tôn thất nhà Trần rút lui từ kinh thành Thăng Long về ẩn náu và bàn kế sách phản công chiến lược, đem lại những thắng lợi oanh liệt cho dân tộc. Nhà Trần chọn Thiên Trường làm "căn cứ địa" - nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông. Khi chiến tranh xảy ra, Thiên Trường đã thực sự trở thành một chiến trường, đồng thời cũng là hậu cứ quan trọng của quân dân nhà Trần. Ba lần giặc Nguyên - Mông sang xâm lược, chiếm đóng kinh thành Thăng Long, vua quan nhà Trần đều rút về Thiên Trường, dựa vào Thiên Trường để duy trì và phát triển sức mạnh cuộc kháng chiến. Đây cũng là nơi tụ hội, đào luyện nhiều nhân tài cho công cuộc dựng nước, giữ nước thời Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản... mà tiêu biểu là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự thiên tài. Tư tưởng và nghệ thuật quân sự, lòng yêu nước thương dân và nhân cách cao đẹp của ông là đại diện cho Hào khí Đông A. Bản lĩnh của ông thể hiện ở quyết tâm diệt địch và thắng địch không gì lay chuyển. Ngay từ những lúc gian nan nguy hiểm nhất, ông vẫn tin vào thắng lợi: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 (1285), khi sự mất còn của nền độc lập nước nhà chỉ còn trong gang tấc, câu nói bất hủ của ông: "Bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu thần đi đã", đã nêu tấm gương lớn về tinh thần quyết chiến và ý chí "Sát Thát" trước triều đình, trước toàn quân và toàn dân.
Hơn 7 thế kỷ qua, những âm vang của Hào khí Đông A vẫn mãi mãi là niềm tự hào của quê hương và dân tộc. Hào khí đó thể hiện trước tiên ở việc nhà Trần 3 lần đánh bại đế quốc Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288). Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn được cử đem quân thuỷ bộ ra biên giới ngăn giặc ở suốt phòng tuyến phía Bắc. Vua Trần cũng đích thân ra trận. Sau khi quân ta thắng lớn ở Đông Bộ Đầu, quân Nguyên rút chạy. Năm 1283, khi đế quốc Mông Cổ chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2, Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công Tiết chế, Tổng Tư lệnh chỉ huy quân Đại Việt. Tháng 8-1284, người mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, rồi chia quân trấn giữ các nơi xung yếu. Trần Quốc Tuấn đã cùng vua Trần mở hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng lịch sử (1285), cùng trăm họ quyết tâm diệt giặc. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 3 năm 1288, Trần Quốc Tuấn đã bày trận Bạch Đằng lịch sử, đây là trận quyết chiến chiến lược, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đập tan ý đồ bành chướng của đế quốc Nguyên - Mông xuống nước Đại Việt và khu vực Đông Nam Á. Như vậy, Hào khí Đông A chính là sức mạnh dân tộc được khởi nguồn và phát huy tới mức tối đa để liên tiếp 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược. Hào khí Đông A không chỉ là biểu tượng của ý chí quật khởi chống xâm lăng mà còn chứa đựng một sức mạnh nội sinh, một tinh thần dân chủ, nhân văn cao đẹp của thời đại Trần: "Vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức...". Hào khí đó không chỉ thể hiện trong chiến đấu mà cả trong xây dựng đất nước, thể hiện trong nền văn hoá rực rỡ của thời đại Trần với "Hịch tướng sỹ" - áng "văn trị" bất hủ vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, có sức tập hợp sâu rộng nội lực dân tộc tiềm tàng trong quân dân Đại Việt quyết chiến thắng kẻ thù. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng ấy một lần nữa được khẳng định tại hội nghị Bình Than (1282) và hội nghị Diên Hồng (1285). Và không thể không nhắc đến một trong những người góp phần to lớn vào việc tạo dựng nên hào khí Đông A đó là Trần Nhân Tông - vị vua thứ 3 của Vương Triều Trần, người đã tổ chức và lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông (1285 - 1288).
Hào khí Đông A oanh liệt của quân và dân nhà Trần thế kỷ XIII đã và đang được Đảng ta, quân và dân ta kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước./.
Thu Trang