Vàng trong nước đắt hơn thế giới, giá USD tăng vọt

Thời cơ để nhập khẩu vàng đã tới khi giá vàng trong nước đang đắt hơn giá thế giới khoảng 330.000 đồng/lượng. Sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục trong áp lực giảm, còn vàng trong nước đứng dưới mức 28,15 triệu đồng/lượng, không có thay đổi nào đáng kể so với cuối tuần vừa rồi.
Thời cơ để nhập khẩu vàng đã tới khi giá vàng trong nước đang đắt hơn giá thế giới khoảng 330.000 đồng/lượng. Sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục trong áp lực giảm, còn vàng trong nước đứng dưới mức 28,15 triệu đồng/lượng, không có thay đổi nào đáng kể so với cuối tuần vừa rồi. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do bất ngờ vọt lên mức 19.210 VND/USD Giá vàng miếng các thương hiệu sáng nay được niêm yết phổ biến ở mức dưới 28,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và xấp xỉ 28,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Do giao dịch vàng vật chất khá trầm lắng, các doanh nghiệp tiếp tục áp dụng mức chênh lệch giá vàng ở mức hẹp, bình quân 50.000 đồng/lượng, cá biệt Sacombank-SBJ áp dụng mức chênh 30.000 đồng/lượng. Giá vàng SBJ do Sacombank-SBJ niêm yết tại thị trường Tp.HCM lúc 10h là 28,10 triệu đồng/lượng và 28,13 triệu đồng/lượng (giá mua vào và bán ra). Tại Hà Nội, chi nhánh của PNJ cùng thời điểm công bố giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DongA Bank ở mức 28,07 triệu đồng/lượng và 28,14 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đang đắt hơn giá thế giới khoảng 330.000 đồng/lượng
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc 10h15 đứng ở mức 1.193,05 USD/oz. Mức giá này nếu quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng thương mại (19.100 VND/USD), cộng thêm thuế và phí gia công, tương ứng với 27,80 triệu đồng/lượng. Như vậy, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng trong nước khoảng 330.000 đồng/lượng. Theo giới kinh doanh vàng, sở dĩ mức chênh lệch tương đối lớn này giữa giá vàng trong nước và thế giới xuất hiện là do giá vàng thế giới phiên thứ Sáu tuần trước giảm 1,3% nhưng giá vàng trong nước giảm không cùng biên độ. Các doanh nghiệp cho biết, với mức chênh lệch này, cơ hội để nhập khẩu vàng đã đến. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới sáng nay, một số đơn vị đã nộp đơn xin nhập vàng lên Ngân hàng Nhà nước cho biết, họ vẫn chưa nhận được giấy phép và đang tiếp tục chờ đợi. Việc giá vàng trong nước đắt hơn thế giới đã gây áp lực tăng đối với tỷ giá USD/VND sáng nay. Giá USD thị trường tự do bán ra tại Hà Nội sáng đầu tuần đã bật lên mức 19.210 VND/USD, tăng 40 VND/USD so với cuối tuần vừa rồi. Nhiều điểm thu đổi ngoại tệ báo giá USD phổ biến ở ngưỡng 19.170-19.180 VND/USD (mua vào) và 19.200-19.210 VND/USD (bán ra). Giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở ngưỡng 19.100 VND/USD. Tại Vietcombank, ngoại tệ này sáng nay vẫn được báo giá ở 19.090 VND/USD (mua vào) và 19.095 VND/USD (bán ra). Trên thị trường thế giới, giá vàng sáng nay trong xu thế giảm, có thời điểm giá vàng giao ngay giảm hơn 1 USD/oz so với mức giá đóng cửa 1.193,5 USD/oz của phiên liền trước tại thị trường New York. Thống kê công bố cuối tuần trước của Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát của nước này - trong tháng 6 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Cùng với đó, niềm tin tiêu dùng đầu tháng 7 tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng. Do vàng là tài sản chống lạm phát hàng đầu nên lạm phát thấp và giảm phát là môi trường không có lợi cho giá vàng. Ngược lại, đây là điều kiện lý tưởng cho trái phiếu kho bạc Mỹ - kênh đầu tư hút một lượng vốn lớn từ chứng khoán và vàng trong phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi. Theo giới phân tích, vàng đang chịu áp lực mất giá lớn khi khủng hoảng nợ châu Âu đã lắng dịu, đồng thời rủi ro lạm phát thấp khi triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung kém đi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vàng vẫn có thể được hỗ trợ ở vùng giá dưới 1.200 USD/oz khi lực mua vào ở vùng giá này gia tăng. Dầu thô thế giới sáng nay kéo dài đà giảm giá từ cuối tuần trước do những dữ liệu kinh tế bất lợi, tụt xuống dưới mốc 76 USD/thùng, từ mức 76,01 USD/thùng đóng cửa phiên liền trước. Tỷ giá Euro/USD tại thị trường Tokyo duy trì trên mức 1,29 USD/Euro, chưa có nhiều thay đổi so với cuối tuần vừa rồi.
Theo Kiều Oanh
VnEconomy

Đọc thêm