Vào giảng đường đại học ở tuổi về hưu

(PLO) - Chán cuộc sống tẻ nhạt sau khi nghỉ hưu, ngày càng nhiều người già ở Trung Quốc ghi danh vào các trường đại học dành riêng cho lứa tuổi của họ để có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới cũng như học hỏi thêm những kỹ năng mới.
Ảnh minh họa

“Tôi như trở thành con người khác”

Trong khi một số người đồng trang lứa dành hầu hết thời gian trong ngày để chăm sóc các cháu nội ngoại và xem TV thì cụ bà Wang Huizhen, 63 tuổi, sống tại Thượng Hải lại lựa chọn theo đuổi việc mà bà đã thôi không làm từ nhiều chục năm trước: đi học. 

Kể từ khi ghi danh vào trường Đại học dành cho người già Thượng Hải vào năm 2011, bà Wang đều đặn đến trường 4 buổi mỗi tuần, theo học nhiều môn học khác nhau, trong đó có ngoại ngữ, khiêu vũ và hát. Bà là lớp trưởng của lớp và cho đến nay đã hoàn thành được tổng cộng 72 tín chỉ.

Theo bà Wang, lý do chính khiến bà quyết định đi học trở lại là do cuộc sống sau khi nghỉ hưu quá buồn tẻ. “Trước đây, cả ngày tôi chẳng có việc gì khác để làm ngoài chơi bài và xem TV. Cuộc sống thực sự vô cùng tẻ nhạt. Việc đi học trở lại khiến quãng thời gian nghỉ hưu của tôi trở nên tươi mới và có ý nghĩa hơn.

Từ khi ghi danh vào trường đại học, tôi cảm thấy niềm yêu sống của mình lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Bạn bè tôi giờ thậm chí còn nói rằng tôi dường như đã trở thành một con người hoàn toàn khác sau từ khi đi học trở lại, một con người luôn tràn đầy năng lượng và hạnh phúc”, bà Wang kể.  

Trường đại học dành cho người già không phải là khái niệm mới, những trường đại học như vậy xuất hiện ở Pháp năm 1973. Mười năm sau đó, trường đại học dành cho người già đầu tiên xuất hiện ở thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Kể từ đó cho đến nay, số lượng người già tham gia các trường đại học cũng như số trường đại học dành riêng cho nhóm đối tượng này đã gia tăng mạnh mẽ ở Trung Quốc. 

Một trong các lý do khác khiến số cơ sở giáo dục dành cho người già như trường Đại học dành cho người già Thượng Hải tăng nhanh nằm ở việc nhu cầu có một cuộc sống tốt hơn ở người già đang gia tăng nhanh chóng.

Theo thống kê của Hiệp hội các trường đại học dành cho người già của Trung Quốc, hiện nay trên khắp cả nước này đang có hơn 70.000 trường đại học dành cho người già, với tổng số sinh viên là hơn 8 triệu.

Trên thực tế, những trường đại học này đã trở nên nổi tiếng đến mức những người già khi muốn vào học cũng phải chật vật mới được đăng ký thành công. “Những trường đại học như thế này nổi tiếng đến mức có nhiều khóa học chỉ mở cửa nhận ghi danh trong vài giây đã nhận được đủ số lượng sinh viên. Tôi đã phải thức đến tận nửa đêm mới đăng ký được một chỗ ở trường học”, bà Wang kể lại. 

Theo một bài viết gần đây của hãng tin Tân Hoa xã, chỉ có 1 trong 16 người ghi danh vào các trường đại học dành cho người già ở Hàng Châu được nhận. Ở thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông - nơi có 35 trường đại học dành cho người già, tất cả các trường đều không còn chỗ trống.

Nhu cầu rất lớn

Thượng Hải là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc được xếp vào nhóm các thành phố có dân số già. Theo báo cáo của chính quyền Thượng Hải, thành phố đang có 4,84 triệu người từ 60 tuổi trở lên chiếm, 33,2% tổng dân số của thành phố.

Dù là một trong những địa phương đi đầu Trung Quốc ở khía cạnh cung cấp các khóa học dành cho người già nhưng 292 trường đại học dành cho người già và 5.447 trường cung cấp các khóa đào tạo dành cho người già ở Thượng Hải mới chỉ đủ chỗ cho 783.000 người già. Điều này đồng nghĩa với việc 16 người già ở Thượng Hải mới có 1 người có cơ hội được theo học đại học ở những trường dành cho nhóm độ tuổi của họ. 

“Ngày càng có nhiều người ghi danh vào các trường đại học dành cho người già. Tốc độ tăng về số ứng viên mỗi năm là khoảng 10%”, ông Xiong Fangjie - Phó chủ tịch hội đồng quản trị trường đại học dành cho người già ở Thượng Hải, cơ sở giáo dục dành cho người già lớn nhất trong thành phố - cho biết. Hiện trường này đang có hơn 18 nghìn sinh viên tại cơ sở chính và khoảng 60.000 sinh viên khác đang theo học tại 24 chi nhánh trên khắp cả nước.

Ảnh minh họa

Theo ông Xiong, trường nhận các ứng viên nữ từ 50 tuổi và từ 60 tuổi trở lên đối với ứng viên nam, không giới hạn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Vẫn theo thống kê của nhà trường, các sinh viên theo học ở trường thường mất hơn 8 năm để đủ điều kiện tốt nghiệp.

Được thành lập vào năm 1985, trường Đại học dành cho người già Thượng Hải hiện có 10 khoa, Trong đó có các khoa như thư pháp và hội họa, ngoại ngữ, piano, tin học và văn học. Tổng cộng trường có 40 chuyên ngành, 179 khóa học và 460 lớp học. 

“Có 2 lựa chọn cho người già, một là đăng ký bằng liên kết tương đương với bằng đại học hoặc đăng ký vào một khóa học nghiệp dư và tốt nghiệp với bằng danh dự. Hầu hết mọi người chọn khóa học nghiệp dư”, ông Xiong cho biết. 

Chuyên ngành về nghiệp dư yêu cầu các sinh viên phải hoàn thành 12 học phần, với 91 môn học tự chọn và một kỳ thực hành xã hội. Mỗi sinh viên có thể tốt nghiệp sau khi học đủ 96 tín chỉ. Trong khi số lựa chọn cho các khóa nghiệp dư khá nhiều thì các chương trình đào tạo liên kết của trường lại chỉ gồm 4 chuyên ngành, bao gồm piano, thanh nhạc, thể thao, chụp ảnh và kỹ thuật máy ảnh. Yêu cầu để hoàn tất khóa học này cũng nghiêm khắc hơn. 

Quan trọng là có thêm kiến thức

Bà Zhang Yanqing, 72 tuổi, là một sinh viên đang theo học khóa nghiệp dư của trường. Bà cho biết mình lựa chọn khóa học này thay vì đăng ký bằng liên kết vì bà chỉ muốn có cơ hội học tập thêm. 

“Bằng cấp không còn cần thiết với những người ở tuổi của tôi. Điều quan trọng nhất với tôi là có được thêm những kiến thức từ các lĩnh vực khác. Ví dụ, khi còn trẻ tôi không biết nhiều về nấu ăn nhưng bây giờ tôi có thể nấu cho chồng những món ăn cầu kỳ hay đồ tráng miệng ngon. Khả năng may vá của tôi cũng đã được cải thiện rất nhiều”, bà cho biết.

Ông Mao Jiemin -  giáo viên dạy thư pháp tại trường Đại học dành cho người già  Thượng Hải từ năm 1988 - cho biết ông thích dạy học cho người già hơn là những sinh viên trẻ vì những người già thường có tinh thần học hỏi cao hơn. “Rất khác với các sinh viên trẻ, những sinh viên già khát khao và thèm muốn được học những kiến thức và kỹ năng mới”, ông Mao cho hay. 

Vì những trường học dành cho người già ở Trung Quốc hiện nay đóng vai trò như những tổ chức từ thiện, hầu hết đều được chính phủ hỗ trợ kinh phí hoạt động nên học phí trung bình của các trường chỉ khoảng 200 nhân dân tệ (31 USD) mỗi học kỳ.

Tính trung bình mỗi người già sẽ mất khoảng 5.000 nhân dân tệ là có thể hoàn thành một khóa học và tốt nghiệp. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên tóc đã bạc trắng, họ không nghĩ nhiều đến việc tốt nghiệp. 

“Nhiều sinh viên còn muốn theo học thêm nhiều khoa học khác vì với họ trường học giống như ngôi nhà thứ hai. Trường đại học dành cho người già trở thành địa điểm lý tưởng để người già có thể tăng cường các hoạt động xã hội, giao lưu và tiếp xúc với những người khác. Nhiều người trong số họ thường phải lủi thủi 1 mình ở nhà vì các thành viên trong gia đình thường đi làm suốt ngày”, ông Xiong  lý giải.

Trên thực tế, theo ông Xiong, 1 số người già thậm chí còn ghi danh theo học ở một trường đại học khác sau khi tốt nghiệp để có thể gặp được những người bạn mới. Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đã khiến tình trạng mất cân bằng về nhu cầu và nguồn cung cho việc học tập ở người già ở Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn. 

Ông Lin Yuanhe - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường dành cho người già ở Trung Quốc - cho biết, tình hình dự kiến sẽ được cải thiện trong thời gian tới, khi kế hoạch phát triển của Trung Quốc đến năm 2020 đã bao gồm hạng mục mở thêm các trung tâm học tập dành cho người già. Theo kế hoạch này, đến năm 2020, mỗi huyện ở trên khắp cả nước Trung Quốc sẽ có ít nhất một trường đại học.

Đọc thêm