Vật tư y tế “mùa” dịch Covid-19: Cương quyết xử phạt hành vi không niêm yết giá

(PLVN) - Trong cao điểm xử lý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid 19, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã tích cực ra quân, xử lý các vi phạm với trung bình mỗi ngày hơn 200 vụ, trong đó có nhiều vụ không thực hiện niêm yết giá.
Khẩu trang y tế, nước sát trùng… là những mặt hàng được QLTT kiểm tra chặt việc công khai giá bán
Khẩu trang y tế, nước sát trùng… là những mặt hàng được QLTT kiểm tra chặt việc công khai giá bán

Nhập nhèm giá cả 

Kể từ thời điểm ra quân tăng cường kiểm tra xử lý các mặt hàng liên quan đến phòng dịch Covid-19 đến hết ngày 24/2, toàn lực lượng đã kiểm tra, giám sát, xử lý hơn 5.000 vụ, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó có những ngày kiểm tra trên trăm vụ, nhưng số lượng bị xử lý vi phạm khoảng 30-40 vụ. 

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, về cơ bản, các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, nhà thuốc đã tuân thủ những quy định pháp luật trong kinh doanh nên số lượng bị xử lý đã giảm dần sau mỗi ngày kiểm tra. Việc lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán vẫn còn nhưng khi lực lượng kiên quyết xử lý, thông tin xử lý được công bố mỗi ngày cũng khiến các nhà thuốc, cửa hàng e ngại. 

Cụ thể, 2 ngày cuối tuần vừa qua, Cục QLTT Tiền Giang đã kiểm tra và phát hiện 5 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế (khẩu trang y tế, găng tay, nước rửa tay) không thực hiện niêm yết giá; đã tiến hành xử lý 2 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.500.000 đồng còn lại đang chờ xác minh làm rõ. 

Cục QLTT Bắc Giang cũng đã tổ chức kiểm tra và xử lý hàng chục vụ vi phạm, trong đó, xử phạt 35.250.000 đồng đối với 27 quầy thuốc tân dược và cửa hàng tạp hóa không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng đối với các mặt hàng gồm: Khẩu trang y tế, găng tay cao su, thực phẩm chức năng, vitamin C, cồn 90 độ, nước súc miệng, nước muối sinh lý, nước rửa tay, nước sát khuẩn…

Theo Cục QLTT Tiền Giang, đơn vị này đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 3 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có dấu hiệu vi phạm và phát hiện cả 3 cơ sở này đều không thực hiện niêm yết giá mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay khô theo quy định. Tuy nhiên, ở tỉnh này này mới chỉ xử lý vi phạm hành chính được 1 vụ, phạt 750.000 đồng và tiến hành điều tra xác minh làm rõ hơn các vi phạm của 2 cơ sở còn lại. 

Cũng ở miền Tây Nam Bộ -  Cục QLTT Bến Tre cho biết, qua công tác kiểm tra trên địa bàn, lực lượng tỉnh này phát hiện hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh khẩu trang không niêm yết giá, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, nhãn hàng hóa ghi không đủ nội dung bắt buộc theo quy định... Lực lượng QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cũng báo cáo, các hành vi vi phạm chủ yếu của các nhà thuốc, cửa hàng vật tư y tế là không thực hiện niêm yết giá bán hàng hóa, không mở sổ sách theo dõi mua, bán thuốc theo quy định.  

Công bố đường dây nóng tiếp nhận tin tố giác 

Với chỉ đạo tăng cường giám sát thị trường vật tư y tế và các thiết bị liên quan đến phòng dịch Covid-19 từ Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà vụ việc phát hiện cơ sở sản xuất ở Thường Tín sản xuất khẩu trang y tế dùng giấy vệ sinh (thay cho lớp kháng khuẩn) mà PLVN đã thông tin mới đây là điển hình. Ngoài ra, lực lượng này cũng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khác không có chức năng sản xuất khẩu trang nhưng vẫn tiến hành sản xuất nhằm thu lợi bất chính.  

Mới đây nhất, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội QLTT số 5 và Đội Cảnh sát kinh tế Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang do ông Cao Hoàng Mai làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất 2 loại khẩu trang hiệu Ngô Trung và Famima nhưng không đăng ký kinh doanh, không công bố chất lượng. 

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 15.000 đơn vị sản phẩm khẩu trang thành phẩm có ghi sản xuất tại TP Hồ Chí Minh (nhưng thực tế đang sản xuất tại thị xã Dĩ An). Đại diện Cục QLTT Bình Dương cho biết, xét tính chất phức tạp của vụ việc, Đoàn kiểm tra thống nhất giao Đội Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ. 

Song song đó, lực lượng này cũng đã tiến hành vận động các nhà thuốc ký cam kết  bán đúng giá các sản phẩm dùng cho phòng dịch. Ví như Cục QLTT Bình Dương đã vận động được hơn 1.000 nhà thuốc ký cam kết này. Ngoài ra, các Cục  QLTT ở các địa phương khác cũng triển khai công tác nắm thông tin từ quần chúng khi tiến hành công bố đường dây nóng riêng biệt tại từng tỉnh. 

Không chỉ công bố trên Cổng thông tin điện tử, các Cục còn triển khai lắp biển đường dây nóng trên địa bàn huyện tại các vị trí trung tâm, dễ quan sát để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm, đặc biệt là việc găm hàng, tăng giá trục lợi từ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid -19.

Đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, việc lắp biển đường dây nóng tại các khu vực trung tâm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để quần chúng nhân dân liên lạc với lực lượng chức năng khi phát hiện, tố giác các hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, góp phần cùng lực lượng chức năng giám sát các hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, găm hàng… 

Đọc thêm