Vay USD không dễ nữa

Sau đợt tăng tỷ giá USD thêm 2%, đối với các DN, vay ngoại tệ và vay VND ngang nhau về mặt rủi ro trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ và chủ trương hạn chế nhập siêu của NHNN khiến các DN không còn dễ dàng tiếp cận các khoản vay USD nữa.

Sau đợt tăng tỷ giá USD thêm 2%, đối với các DN, vay ngoại tệ và vay VND ngang nhau về mặt rủi ro trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ và chủ trương hạn chế nhập siêu của NHNN khiến các DN không còn dễ dàng tiếp cận các khoản vay USD nữa.

Lợi thế khi vay VND và USD là như nhau vì lãi suất cho vay VND đang dần hạ xuống.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, trong nửa đầu năm nay khi lãi suất VND quá cao trong khi lãi suất USD thấp và tỷ giá ổn định thì vay USD là có lợi hơn đối với DN.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm thì lợi thế khi vay VND và USD là như nhau vì lãi suất cho vay VND đang dần hạ xuống trong khi tỷ giá được dự báo sẽ khó tăng đột biến từ đây đến cuối năm.
Còn ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết NHNN đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế các khoản vay ngoại tệ để hạn chế việc nhập siêu cho nên không phải DN nào cũng có thể tiếp cận các khoản vay USD.
Điều này cũng được ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, đồng tình. Ông Hưng cho rằng hiện nay ngân hàng ông chỉ ưu tiên cho vay USD đối với các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ, còn đối với các đối tượng khác thì rất hạn chế.
Một vài ngân hàng lớn như ACB, Eximbank gần đây đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD lên mức cao nhất là 4,45%/năm, chứng tỏ rằng nguồn huy động bằng ngoại tệ không đáp ứng đủ nhu cầu vay. Nếu chỉ tính riêng tại TPHCM thì tăng trưởng cho vay ngoại tệ 7 tháng đầu năm theo NHNN chi nhánh TPHCM là 28,8% trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ tăng 5,1%.
Còn theo con số của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được đăng tải trên báo chí, dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng đã vượt tổng huy động ngoại tệ khoảng 40.000 tỉ đồng, tương đương 2,05 tỉ USD. Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ sẽ rất thấp trong những tháng cuối của năm.
Theo các chuyên gia, nếu DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thì có thể vay ngoại tệ vì có nguồn thu là ngoại tệ nên rủi ro tỷ giá sẽ không là vấn đề. Còn các DN nếu không có nguồn thu ngoại tệ thì nên vay nợ bằng VND vì lãi suất cho vay VND của các ngân hàng đang được điều chỉnh giảm dần cho DN và các ngân hàng cũng đang đưa ra nhiều chương trình nhằm đẩy dư nợ tăng để đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Ví dụ, Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết sẽ dành khoản tín dụng 3.000 tỉ đồng để cho vay các DN vừa và nhỏ với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt, chỉ bằng khoảng 80% chi phí lãi vay VND thông thường; còn Ngân hàng An Bình đưa ra chương trình cho vay tín chấp đối với DN…
Theo Thủy TriềuTBKTSG
DânTrí

Đọc thêm