VCCI đề nghị “nới” quy định với doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật

(PLVN) - Mới đây, trong công văn gửi Bộ VHTT&DL góp ý dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số ý kiến về điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật (BDNT), trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu. 
VCCI cho rằng “việc áp đặt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp tổ chức BDNT là không cần thiết”
VCCI cho rằng “việc áp đặt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp tổ chức BDNT là không cần thiết”

Theo dự thảo, “kinh doanh dịch vụ BDNT” được quản lý bằng điều kiện kinh doanh với chủ thể kinh doanh và cấp phép với từng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Tuy nhiên, theo VCCI, Nhà nước cần thiết phải kiểm soát từng hoạt động (thông qua thủ tục cấp phép cho từng hoạt động BDNT, thi người mẫu, người đẹp) dù chủ thể tổ chức là ai. Và cũng chính vì đã kiểm soát từng hoạt động biểu diễn cụ thể nên kiểm soát đối với chủ thể cung cấp dịch vụ không còn cần thiết nữa (dù chủ thể nào thì cũng sẽ bị kiểm soát theo hoạt động cụ thể). Do đó, việc áp đặt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp tổ chức BDNT là không cần thiết.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các Điều 9-13, 25-29 Dự thảo về điều kiện và thủ tục cấp phép kinh doanh BDNT.

VCCI cho rằng việc không quy định về Giấy phép kinh doanh (GPKD) với ngành nghề kinh doanh này về nguyên tắc không trái với quy định tại Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư bởi điều kiện kinh doanh thì cũng không nhất thiết phải là GPKD.

VCCI cũng kiến nghị với Ban soạn thảo Luật Đầu tư đưa kinh doanh dịch vụ BDNT ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Theo VCCI, việc xác định kinh doanh dịch vụ BDNT là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý, các điều kiện kinh doanh được thiết kế cho doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này là khiên cưỡng, không đảm bảo mục tiêu nào quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Theo quy định tại Điều 9, Điều 25 Dự thảo thì điều kiện của doanh nghiệp tổ chức BDNT gồm:  (1) Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí là ngành, nghề kinh doanh chính.

(2) Điều kiện của người điều hành trực tiếp hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Tốt nghiệp đại học ngành nghệ thuật biểu diễn hoặc được phong tặng danh hiệu Nhà nước về văn học, nghệ thuật theo quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Theo VCCI, điều kiện (1) chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp, vì theo quy định của Luật này GCNĐKDN không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Mặt khác, trong các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục cấp phép, cơ quan quản lý không còn xem xét việc đăng ký ngành nghề xin cấp phép khi đăng ký kinh doanh nữa.

Còn với điều kiện (2), VCCI cho rằng yêu cầu trình độ chuyên môn của nhân sự của doanh nghiệp là không cần thiết và chưa hợp lý. Mặt khác, khái niệm “người điều hành trực tiếp hoạt động biểu diễn” là chưa rõ ràng, khi có thể hiểu là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay là nhân viên thực hiện việc tổ chức hoạt động biểu diễn? Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hoặc là bỏ toàn bộ các quy định về GPKD ngành nghề này khỏi Dự thảo; hoặc có sửa đổi phù hợp. 

Cũng theo dự thảo, chủ địa điểm tổ chức BDNT “không được phát hành vé quá số ghế hoặc quá sức chứa của địa điểm”; “bảo đảm âm thanh, ánh sáng và các hiệu ứng kỹ thuật khác không làm ảnh hưởng tới môi trường, đời sống và sinh hoạt của dân cư xung quanh địa điểm tổ chức”; “không tổ chức BDNT gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau”.

VCCI cho rằng quy định về các trách nhiệm nói trên của chủ địa điểm là chưa hợp lý và đề nghị điều chỉnh lại quy định này theo hướng các trách nhiệm liên quan thuộc về người tổ chức BDNT mà không phải là chủ địa điểm.

VCCI cũng góp ý về quy định người BDNT, thí sinh thi người đẹp, người mẫu phải “tham gia BDNT phục vụ chính trị và các hoạt động xã hội khác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định này theo hướng: Nghĩa vụ bắt buộc tham gia các chương trình nghệ thuật chính trị khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước chỉ giới hạn ở người BDNT thuộc biên chế của các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực BDNT.

Đọc thêm