Về đâu ô-tô hết hạn sử dụng?

Theo quy định của Nghị định 23/2004/NĐ-CP, niên hạn sử dụng của ô-tô tải không vượt quá 25 năm, ô-tô chở người không quá 20 năm và không quá 17 năm đối với ô-tô chở người chuyển đổi công năng từ các loại ô-tô khác thành ô-tô chở người (niên hạn sử dụng được tính từ năm đầu sản xuất xe).

Theo quy định của Nghị định 23/2004/NĐ-CP, niên hạn sử dụng của ô-tô tải không vượt quá 25 năm, ô-tô chở người không quá 20 năm và không quá 17 năm đối với ô-tô chở người chuyển đổi công năng từ các loại ô-tô khác thành ô-tô chở người (niên hạn sử dụng được tính từ năm đầu sản xuất xe).
Mô tả ảnh.
Những ô-tô khách hết hạn sử dụng của Công ty CP Xe khách và Dịch vụ thương mại Đà Nẵng nằm đây khá lâu nhưng chưa bán thanh lý được.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình sử dụng ô-tô, chủ phương tiện phải theo định kỳ (24 tháng, 12 tháng, 6 tháng và 3 tháng, tùy thời gian sử dụng ô-tô) đưa ô-tô đi kiểm định. Đây là những quy định mang tính chất bắt buộc để bảo đảm an toàn cho phương tiện trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều chủ phương tiện tìm đủ mọi cách để lách quy định trên, đặc biệt là “tận dụng” những xe hết niên hạn sử dụng đưa ra hoạt động…

Theo báo cáo của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thành phố, hiện nay đơn vị đã cấp và quản lý khoảng 30 ngàn sổ đăng kiểm ô-tô các loại (tất cả ô-tô đăng ký giấy tờ xe và được cấp biển kiểm soát (BKS) tại Phòng CSGT thành phố). Tuy nhiên trên thực tế, trung tâm chỉ quản lý con số thực khoảng 25 ngàn sổ đăng kiểm, định kỳ có đưa xe đến kiểm tra. Lý giải về điều này, kỹ sư Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thành phố cho biết: Theo quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam, những ô-tô hết hạn sử dụng, khi đến lần kiểm định cuối phải nộp sổ lại cho Trung tâm Đăng kiểm địa phương mình được cấp giấy tờ xe và BKS. Sau đó, trung tâm sẽ tiến hành thông báo toàn bộ số ô-tô đã hết hạn đến các cơ quan chức năng như CSGT, Thanh tra Giao thông, Ban ATGT… để các cơ quan này giám sát việc các ô-tô này có tiếp tục hoạt động hay không.
Thế nhưng thực tế tại Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đều gặp phải tình trạng là một số chủ ô-tô khi đến hạn kiểm định cuối đã không đưa ô-tô đi kiểm định, vì vậy cũng không thu được sổ kiểm định. Ví dụ mới đây nhất, trung tâm đã gửi thông báo danh sách 300 ô-tô hết niên hạn sử dụng vào thời điểm 30-12-2010 đến các cơ quan chức năng, trong đó có CSGT thành phố để thu lại giấy tờ xe và BKS đã cấp. Mặc dù vậy, đến nay trung tâm mới chỉ thu được không quá 10 sổ đăng kiểm, số còn lại “biệt vô âm tín”. Con số bỏ đăng kiểm lần cuối như vậy cộng dồn qua từng năm đã lên đến khoảng 5 ngàn ô-tô.

Đi tìm tung tích những ô-tô “biến mất” này tại các cơ quan chức năng, chúng tôi đều nhận chung cái lắc đầu… chào thua. Một cán bộ Phòng CSGT thành phố phân tích: “Chúng tôi có nhiệm vụ cấp giấy tờ xe, BKS xe, sau đó việc quản lý kiểm tra định kỳ cũng như thu hồi sổ đăng kiểm là do bên đăng kiểm xe cơ giới. Với những xe hết hạn sử dụng họ thông báo cho chúng tôi biết, và nếu chủ phương tiện nào đến nộp lại giấy tờ xe, BKS thì chúng tôi nhận, số còn lại cũng không nắm được. Chúng tôi chỉ phát hiện và thu hồi giấy tờ xe, BKS xe trong trường hợp tuần tra kiểm soát trên đường phát hiện ra. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là việc tìm tung tích xe hết hạn thông qua việc kiểm tra không đáng kể”.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, một chủ cơ sở cơ khí vừa buôn bán phế liệu khá nổi tiếng ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết: “Trước đây chúng tôi thường đến Đà Nẵng lùng mua ô-tô đã hết hạn sử dụng về chế lại thành các loại xe phục vụ cho nông dân chở nông sản. Ngoài ra, nếu những ô-tô có động cơ còn dùng được, trong khi vỏ xe hư nhiều thì chúng tôi sẽ chế tạo thành những loại máy dùng cho nông nghiệp như xay xát, thậm chí là máy bơm nước công suất lớn. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 32 của Chính phủ cấm sử dụng xe tự chế, chúng tôi chuyển sang mua xe thật cũ về rã ra bán phế liệu, nhưng hiện nay cũng không còn nhiều vì công việc này thường gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương do vấn đề môi trường”. Một chủ doanh nghiệp vận tải cho biết, trước đây xe gần hết niên hạn sử dụng có nhiều người tìm mua, còn nay việc bán thanh lý những chiếc xe hết hạn luôn gặp khó khăn.

 Một số ít xe hết hạn được rã ra để bán phế liệu, một số khác được “hóa thân” thành những chiếc máy khác. Còn một số lượng không nhỏ nữa đang ở đâu, hay đang được tận dụng để tiếp tục hoạt động? Câu hỏi này rất cần cơ quan chức năng giám sát, để ngăn chặn những điều đáng tiếc xảy ra.

Bài và ảnh: Thanh Vân

Đọc thêm