Sau những ngày vui Tết, đón xuân, làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy lại nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội truyền thống. Ngoài hội Minh Thề độc đáo, hội vật truyền thống đầu xuân, năm nay, người dân Hòa Liễu hồ hởi chờ đón hội hát đúm đêm trăng.
Sáng 14 tháng Giêng, người dân Hòa Liễu tề tựu đông đủ tại đình làng dự lễ hội Minh Thề. Sau lễ tế với các nghi lễ được tiến hành trang trọng, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của thánh vương. Sau đó làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm réo rắt. Tế thần xong, các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “Chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là “Đài thề”, trước “Đài thề” đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm. Ba vị đại diện hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng do ban tổ chức lễ hội thề và hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên “Đài thề” làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần. Đại diện tư văn dõng dạc đọc hịch văn: “... Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.Sau khi mọi người cùng hô vang câu “Y như lời thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn “Đài thề” biểu thị sự quyết tâm. Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà trống để uống máu ăn thề diễn ra rất cầu kỳ theo quy định truyền thống từ ngàn đời. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người chuyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề.
Xã Thuận Thiên (Kiến Thụy) mới đầu tư xây dựng sới vật tại thôn Hòa Liễu, tạo điểm vui chơi cho nhân dân trong dịp đầu Xuân. |
Sau lễ hội “Minh Thề” trang nghiêm, dân làng Hòa Liễu vui hội vật đầu xuân. Năm nay, hội vật truyền thống được tổ chức với quy mô lớn. Ngoài các đô vật của xã, còn có nhiều đô vật ở cùng huyện và các làng vật nổi tiếng ở các huyện khác như An Dương, An Lão, Tiên Lãng tham gia. Để hội vật thành công, từ trước Tết Nguyên đán, làng Hòa Liễu khánh thành sân vật mới, có mái che, sân trải thảm vật giống như sàn thi đấu chuyên nghiệp, có tường bao, cổng chào với kinh phí xã hội hóa hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, tại khu vực ngoại thành, chưa có vùng đất vật truyền thống nào xây dựng sới vật chuyên nghiệp, quy mô lớn như ở Hòa Liễu. Nhờ vậy, khí thế hội vật năm nay hơn hẳn mọi năm bởi số vận động viên đông hơn, thi đấu ở nhiều độ tuổi, hạng cân hơn. Trung tâm thể dục thể thao huyện quan tâm trợ giúp huấn luyện viên và trọng tài với quyết tâm chọn được đô vật hay để đào tạo thi đấu cho giải vật thành phố tranh cúp Báo Hải Phòng.
Đúng đêm rằm tháng giêng, tại khu vực khúc sông trước cửa đền, chùa Hòa Liễu, làng tổ chức hát đúm đêm trăng. Làng tổ chức hàng thuyền dài, đi sóng đôi, thuyền nam riêng, thuyền nữ riêng. Kép nữ mặc áo tứ thân, yếm đào., đầu vấn khăn nhung. Trai thì khăn xếp, áo the, quần trắng. Hai bên hát đối đáp. Các kép hát còn mang theo trống phách, đàn nhị, hồ phách đệm. Lời hát giữa các bên không được soạn sẵn mà bằng lời ca đối đáp, thách đố trữ tình. Chủ yếu vận vè sáng tác với lời đố kín đáo, tế nhị. Càng về khuya, trăng càng sáng, tiếng hát càng nồng nàn, tiếng sào đẩy thuyền khua xuống nước tạo nên những làn sóng lung linh. Theo nhiều người dân trong làng, trước kia, hội hát đúm chỉ kết thúc khi trăng rằm mờ sáng. Thuyền từ đầm cửa phủ xã Thụy Hương ngược lên cửa chùa Hòa Liễu rồi xuôi xuống bến đình Kỳ Sơn (Tân Trào). Gần đây, do đường sông không còn, mỗi làng chỉ tổ chức hát đúm trong phạm vi làng mình.
Sau lễ hội Minh Thề, lễ hội vật và hội hát đúm đêm trăng, người dân làng Hòa Liễu lại bước vào lao động sản xuất với tâm hồn thanh thản, thêm sức mạnh và niềm vui trong năm mới./.