Về khoảng cách...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội những chiều tháng Mười trời chóng tối hơn, không còn như mùa hè, ánh nắng còn vương vấn mãi phía đường chân trời, giờ thì qua năm giờ chiều trời sập tối.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bước trên đường phố nào cũng có thể thấy không khí mùa thu, mùi hoa sữa phảng phất bay trong gió, đôi lúc gặp may khi không gian lắng xuống, chỉ mỗi mùi hoa ấy bảng lảng, giống như thuở ta còn hoa niên…

Nhưng thường thì lẫn trong mùi hoa là mùi khói xe, mùi xăng, tiếng còi xe, tiếng động cơ, đủ loại thanh âm và mùi vị, dường như không lúc nào ngừng. So với hai mươi năm trước, Hà Nội đã mở rộng gấp ba, người cũng đông gấp ba bốn lần… Cũng so với hai mươi năm trước, giờ đây các phương tiện đã hiện đại hơn nhiều, đường sá cũng đẹp hơn, vậy mà sao người ta lúc nào cũng vội, lúc nào cũng muốn nhanh hơn nữa. Hàng hóa đã tràn ngập, nhưng người ta vẫn thấy thiếu, thực ra là người ta không thiếu, mà chỉ muốn nhiều hơn nữa thôi.

Cái không khí chiều trong ánh đèn sáng, không phải từ đèn đường thì từ xe cộ, trong tiếng ồn, trong tiếng người xôn xao âm vang suốt mọi nẻo đường, không còn khiến người ta chạnh lòng mấy nữa, cũng không còn mấy cảm giác cô đơn. Mọi thứ trôi nhanh quá, tấp nập quá dễ làm người ta quên đi cảm giác thật trong lòng, bởi bị lôi cuốn bởi những thứ xung quanh.

Nếu cũng trong buổi chiều tà này, đang lang thang trên nẻo đường thiên lý, ở một vùng núi non xa xôi, hay trong miệt vườn nào đấy, hẳn người ta sẽ thấy buồn, cô đơn, và mong ngóng đủ thứ.

Dường như khoảng cách giữa đô thị và miền quê mỗi ngày mỗi xa, nhất là ở những vùng cao sâu xa, nơi người ta vẫn còn mong đủ cơm ăn áo mặc. Vì đâu, phương tiện đã nhanh hơn nhiều thế, đường sá đã đẹp hơn đến thế, cuộc sống của con người lại quá khác xa nhau.

Một bên là những bữa tiệc linh đình, bên kia là những bữa ăn chỉ có cơm với cơm; một bên là những món quà xa xỉ, nhân bất cứ dịp nào người ta cũng vẽ ra để tặng nhau, bên kia có thể cả đời chưa từng nhận được một món quà.

Một bên tiền quỹ lớp thu cả một danh mục dài, bên kia các thầy cô còn phải đến từng nhà dỗ dành bọn trẻ con tới trường chứ đừng nói đến việc thu tiền quỹ…

Người ta còn ăn bớt tiền ăn uống của vận động viên, hành hạ bọn trẻ nhỏ, rồi những hồ sơ xét tuyển chỉ toàn điểm mười; còn chỗ khác, bọn trẻ con đến trường biết chữ là mừng rồi, vài bản mới có một khu trường, khái niệm trường điểm quá xa lạ…

Cách đây mấy chục năm người ta đã dự đoán rằng rồi người giàu sẽ càng giàu thêm, người nghèo sẽ càng nghèo đi, phân hóa xã hội giữa người giàu và người nghèo sẽ ngày càng trở nên sâu sắc, khi đó, chúng ta chưa hình dung ra.

Giờ đây, đám trẻ thành phố mặc đồng phục, đeo ba lô thật đẹp, được những chiếc xe chở tới trường trên con đường thẳng tắp, rồi các lớp năng khiếu, rồi thể thao, rồi giải trí... Còn trên núi, những đứa trẻ địu em trên lưng đi học, cuốc bộ vài cây số, trong cà men chỉ có ngô... Làm sao có thể thu hẹp khoảng cách giữa giàu nghèo, giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi với sự phân hóa sâu sắc như vậy. Đám trẻ này sẽ lớn lên, với những lựa chọn vô cùng xa biệt, và càng làm rộng thêm khoảng cách ấy, sâu sắc thêm sự phân hóa ấy.

Như những vần thơ của nhà thơ, nhà giáo Phi Tuyết Ba:

Nơi con hòa bình nơi khác chiến tranh

Phía trước văn minh đằng sau tăm tối

Người sang kẻ hèn người no kẻ đói

Trên thế giới này hạnh phúc chẳng chia đều...

Dự đoán giờ đã thành hiện thực hiển nhiên, và con người lại tìm cách sửa chữa, vá víu những sai lầm ta đã làm từ đâu đó, mấy chục năm trước đây. Cố gắng để sự phân hóa không khiến xã hội trở nên bất công và khiến con người trở thành bất mãn. Đó là một bài toán khó, cả thế giới chưa tìm ra lời giải nào hữu hiệu, người ta phải thực hiện rất nhiều chương trình, chiến dịch, với những chính sách linh hoạt.

Nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, nhiều quỹ hỗ trợ, nhiều chương trình từ thiện, các chính sách kinh tế ưu tiên… Khoảng cách giữa giàu và nghèo không dễ thu hẹp nhanh như chúng ta mong muốn, như mọi chương trình khác, tiến trình này cũng cần thời gian.

Có lẽ chúng ta cần sự thay đổi từ trong sâu thẳm con người chăng? Giá ta đừng tham lam như thế, giá như tất cả đều sẻ chia với nhau, giá như… Nhưng người ta lại sợ làm mất đi động lực phát triển của xã hội, chúng ta không thể phát triển nếu cào bằng. Dường như trong suốt lịch sử của mình, con người lúc nào cũng đứng trước thế lưỡng nan như vậy, được cái này thì mất cái kia. Không hiểu đó là đòn trừng phạt hay là sự thử thách với con người nữa.

Kinh tế phát triển kéo theo ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên; chúng ta đã phải đánh đổi giữa kinh tế và môi trường. Và giờ chúng ta đang cố gắng theo hướng phát triển bền vững, nhưng có những thứ mất đi không thể nào lấy lại, hoặc để phục hồi hiện trạng phải cần đến hàng trăm năm.

Trong những thứ mất đi ấy, thứ đáng tiếc nhất có lẽ là lòng khoan dung của con người. Dường như chúng ta ngày càng ít khoan dung với nhau hơn. Chúng ta có thể bày tỏ lòng thương xót với một con chó, nhưng lại sẵn sàng xẻ người tình ra thành nhiều mảnh. Chúng ta có thể thành lập những hội nhóm “anti” để phản đối một cô gái chưa tròn hai mươi tuổi. Chúng ta có thể chê bai một bộ phim dù chưa hề xem nó.

Chúng ta kêu gọi chấn hưng văn hóa nước nhà, nhưng chúng ta lại quay lưng với phim ảnh nội địa, bài xích các nghệ sĩ đang cố gắng đổi mới sáng tạo để phục hưng nền văn hóa…

Chúng ta đòi hỏi quá cao hay chỉ là đang hẹp hòi, ghen tị? Thật khó để xác lập được các lằn ranh. Có lẽ chúng ta cần một nhãn quan trung thực, khách quan, trên một tinh thần phê bình có tính xây dựng chứ không phải đạp đổ, vùi dập.

Hơn bao giờ hết, vấn đề lại quay về nhân bản. Rằng dẫu thế nào, con người cũng phải giữ được nhân tính, như vậy mới không nhìn nhau bằng thù hận, như vậy mới có tâm thế để nâng đỡ nhau cùng phát triển chứ không phải là hằm hè lôi nhau xuống.

Nhưng làm thế nào để giữ được nhân tính giữa thế cuộc cạnh tranh này? Con người bị thúc đẩy bởi quá nhiều ham muốn, đời sống bày ra trước mắt chúng ta quá nhiều cám dỗ, vạch ra quá nhiều lựa chọn mà rốt cuộc luôn khiến ta tìm cách lựa những gì có lợi cho mình nhất, bất chấp lợi ích cộng đồng hay lợi ích của ai đó khác.

Trước đây, chúng ta phải đi hàng cây số để gửi một lá thư, giờ đây, chúng ta có bao nhiêu cách để kết nối với nhau, nhưng dường như chúng ta lại không kết nối với nhau thật sự, ta thích những thứ “ảo” hơn. Chúng ta điện thoại để hẹn hò gặp gỡ, nhưng khi gặp mặt thì mỗi người lại cầm một chiếc điện thoại và chìm vào thế giới của riêng mình. Dường như khoảng cách giữa người với người ngày một cách xa.

Chúng ta đã bước qua hai thập niên đầu của thế kỷ 21, chúng ta đã được ngành công nghiệp tiêu dùng bao trùm trong hàng núi hàng hóa, chúng ta cũng được trang bị những thiết bị tối tân để khám phá không chỉ Trái đất của mình mà còn thám hiểm cả những hành tinh khác. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua được đại dịch Covid-19, nhưng dường như không có thứ gì hữu hiệu cho chúng ta để hiểu được lòng người.

Hơn bao giờ hết, có lẽ ta cần phải lắng nghe, nhất là những tiếng nói nhỏ nhoi của những con người yếu thế, vẫn bị gạt ra bên lề xã hội, những âm thầm thở than mà giữa đời sống sôi động này, thật khó lọt đến tai ai đó... Như lời của sử gia Howard Zinn (1922-2010), “Nước mắt của người nghèo không phải lúc nào cũng có lý do, nhưng nếu không biết lắng nghe, ta sẽ chẳng biết đâu là công lý nữa...”