Thế giới vinh danh di sản ngàn đời
Mới đó mà thoắt cái đã hơn một tháng, nhưng cán bộ Cục Di sản Văn hóa vẫn còn nguyên nhớ cái cảm giác lâng lâng tự hào, sung sướng khi trong phòng họp lớn của cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, cái tên “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt được xướng danh chính thức công nhận và đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 11 tại Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là cách người dân thể hiện khát vọng có sức khỏe, may mắn, tài lộc trong cuộc sống. trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân. Mạch nguồn tín ngưỡng này có một sức sống âm ỷ, mạnh mẽ.
Chả thế mà hàng mấy trăm năm qua, thờ Mẫu Tam phủ được đông đảo người dân tìm đến trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân, nhất là đến mỗi dịp tết đến, xuân về. Có những địa điểm trở thành chốn hành hương về với Mẫu như ở vùng đất Tây Thiên này chẳng hạn.
|
Thanh niên trai tráng rước kiệu trong ngày hội, lễ. |
Những ngày cuối năm, trong cái rét dịu ngọt của những ngày lập xuân vừa đủ để làm du khách xuýt xoa nhưng thêm hứng khởi khi bước chân trên vùng đất thiêng Tây Thiên. Khu du lịch thắng cảnh tâm linh này là một địa điểm lý tưởng cho một chuyến hành hương tâm linh giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, nguyên thủy đẹp như tranh thủy mạc.
Đã qua nhiều thế kỷ, Tây Thiên vẫn giữ được những nét đẹp kỳ thú. Đến đây, du khách có thể men theo dòng suối nước róc rách trong vắt, bên rừng cây nguyên sinh để đến với những điểm đã nổi tiếng từ lâu như bãi đá Liền, Chòi Ông Nhất, thác Bạc, suối Bạc, suối Vàng, suối Giải Oan, đền Cô, đền Cậu, đền Thượng Tây Thiên…
Theo ngọc phả từ thời Hùng Vương, Quốc Mẫu Tây Thiên tên thật là Lăng Thị Tiêu. Bà được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi. Bà có công giúp vua chiêu binh mãi tướng, luyện tập quân sĩ, đánh đuổi quân giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, chăn tằm dệt vải… Xong việc nước, bà trở lại quê hương ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo ngày nay và “hóa” tại đây.
Đầu xuân “đến với Phật, về với Mẫu”
Đến với vùng đất linh thiêng này, ngoài những di tích thờ phụng Quốc Mẫu Tây Thiên, khu danh thắng còn có nhiều ngôi chùa thờ Phật như chùa Phù Nghì, Thiên Ân, Đồng Cổ… Bởi vậy, Tây Thiên còn được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Dân gian vẫn truyền miệng rằng đến Tây Thiên là “Đến với Phật, về với Mẫu”.
Tương truyền, Ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông đã chọn nơi đây làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật.. Nơi đây có Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên – được xác định là cái nôi của đạo Phật ở Việt Nam, đã được phục dựng lại trên nền chùa cổ Thiên Ân thiền tự.
Có đại bảo tháp Mandala Tây Thiên được coi là kiệt tác kiến trúc Phật giáo Kim Cương thừa đầu tiên tại Việt Nam, đã góp phần tôn vinh giá trị tâm linh và văn hóa của Tây Thiên – Vĩnh Phúc nói riêng, cũng như của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cuối năm 2015, khu danh thắng Tây Thiên được Thủ tướng chính phủ ký quyết định là Di tích Quốc gia đặc biệt.
|
Hệ thống cáp treo giúp du khách dễ dàng đến với Đền thờ Quốc mẫu. |
Những năm qua, khu danh thắng Tây Thiên luôn được trùng tu, tôn tạo và xây dựng khang trang kết nối các điểm tham quan hấp dẫn khác quanh vùng.
Tây Thiên đã có bước chuyển mình ấn tượng trong du lịch và dịch vụ thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến với vùng văn hóa du lịch tâm linh. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc không thể không nhắc tới sự đóng góp công sức đáng kể của Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng trong việc góp phần cùng địa phương tôn tạo và đầu tư nhiều hạng mục, công trình như: đầu tư hệ thống Cáp treo Tây Thiên, hệ thống xe điện Tây Thiên, trục hành lễ Tây Thiên, sân trung tâm lễ hội Tây Thiên, Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên,...
Nếu trước đây người dân phải đi bộ nửa ngày đường để đến dâng hương trước Quốc mẫu Tây Thiên, thì nay có hệ thống cáp treo rất hiện đại, đoạn đường từ chân núi tới nơi thờ phụng Quốc mẫu Tây Thiên nếu du khách đi cáp treo chỉ mất hơn 10 phút.
Tiếng trống khai hội Tây Thiên xuân Đinh Dậu vào dịp rằm tháng hai âm lịch sắp vang lên. Hy vọng mùa xuân mới sẽ mang lại cho du khách đến thăm chốn linh thiêng, u tịch, nơi giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu là địa điểm thu hút du khách đến chiêm bái, cầu mong nhiều sức khỏe, an lành.