Về một ngôi mộ tiền hiền

Một ngôi mộ cổ đã tồn tại mấy trăm năm, với huyền tích về một vị tướng cầm chân quân Chiêm cho Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân Công chúa về nước, đã đi vào tiềm thức của dân làng nhiều thế hệ. Đó là ngôi mộ tiền hiền làng Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, mà nếu không được bảo vệ kịp thời sẽ có nguy cơ bị hủy hoại theo thời gian và sự thờ ơ của con người.

Một ngôi mộ cổ đã tồn tại mấy trăm năm, với huyền tích về một vị tướng cầm chân quân Chiêm cho Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân Công chúa về nước, đã đi vào tiềm thức của dân làng nhiều thế hệ. Đó là ngôi mộ tiền hiền làng Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, mà nếu không được bảo vệ kịp thời sẽ có nguy cơ bị hủy hoại theo thời gian và sự thờ ơ của con người.

Ngôi mộ cổ cần được bảo vệ và giữ nguyên trạng.

Chưa xác quyết được nguồn gốc ngôi mộ

Theo lời ông Lê Thanh Hưu, đại diện cho Hội đồng chư phái tộc làng Nam Ô, dù không biết chính xác thời điểm tồn tại, nhưng theo sự truyền tụng của dân gian và những thế hệ trước, ngôi mộ đã có mặt ở đây từ thế kỷ 14, và sự tồn tại của nó có rất nhiều cách giải thích. Người dân ở chung quanh mộ tin rằng, đây là mộ một vị tướng cấp dưới của ông Trần Khắc Chung, khi ông cho quân vào đánh tháo Huyền Trân Công chúa khỏi nạn hỏa thiêu của Chiêm Thành. Năm 1306, Trần Huyền Trân sang đất Chiêm làm vợ vua Chế Mân, để đổi về hai châu Ô, Rí cho nước Việt, được một năm thì Chế Mân mất.

Theo tục của người Chăm, hoàng hậu phải được hỏa thiêu chết theo vua. Trước khi lên giàn hỏa, Huyền Trân đứng ở ngôi tháp Chàm cạnh bờ biển hướng về phía quê nhà vái lạy. Trong khi đó, Trần Khắc Chung vâng mệnh vua Trần Anh Tông giả mượn tiếng vào thăm, rồi lập kế đưa Huyền Trân đi. Một vị tướng dưới quyền ông tử trận khi dẫn đầu toán lính ở lại cầm chân quân Chiêm. Người đời sau lập mộ sát chân tháp, tôn ông là tiền hiền của làng.

Còn trong một lá đơn gửi lên UBND các cấp ngày 2 tháng 10 năm 2008 để xin gìn giữ, chỉnh trang và trùng tu ngôi mộ, Hội đồng chư phái tộc làng Nam Ô lại đưa ra cách giải thích khác. Theo đó, năm 1400, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần và đánh luôn đất Chiêm Thành. Chiêm Thành phải nhường hai mảnh đất nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi để nhà Hồ bãi binh.

Đến năm 1407, nhà Minh đem quân xâm lược nước ta. Để thực hiện âm mưu đồng hóa nước ta, chúng bắt dân ta lập đền thờ Thành Hoàng bổn xứ và miếu Ngũ Hành. Bại trận, quân Việt lưu lạc khắp nơi, có người đã đến làng Nam Ô ngày nay khai khẩn và lập nhà ở. Khi ông mất, người dân tưởng nhớ công ơn nên lập mộ tiền hiền và xây dựng đình làng để thờ giỗ tiền hiền vào ngày 24 tháng 6 âm lịch hằng năm.

Cần giữ nguyên ngôi mộ trong dự án Khu du lịch Nam Ô

Theo ông Đặng Dùng, một người dân khá am hiểu về làng Nam Ô, giả thuyết thứ nhất xem ra có căn cứ hơn, vì đã nhiều lần, người dân sống quanh ngôi mộ đào được các hiện vật cho thấy sự có mặt của người Chăm ngay tại vùng đất này như: yoni (sinh thực khí nữ), các bệ thờ, gươm, kiếm..., mà do không hiểu về giá trị của các hiện vật cổ, họ đã phá bỏ hoặc di dời tứ tán. Cách đây vài chục năm, có gia đình còn lấy gạch Chăm về xây nhà. Ngã ba Đường Tháp, tên gọi một ngã ba gần địa điểm ngôi mộ cũng là một minh chứng khác cho thấy sự tồn tại của các ngôi tháp cổ.

Đến nay, ngôi mộ vẫn được nhân dân gìn giữ, hương khói. Mộ có kiến trúc khá giản dị, với hai con Nghê chầu ngay lối vào, hai con Rồng chầu mặt Nguyệt ở bức thành thấp bao quanh ngôi mộ. Ông Đặng Dùng nói rằng, công trình kiến trúc này là kết quả của lần trùng tu vào năm 1960. Hiện ngôi mộ nằm trong khu vực quy hoạch dự án Khu du lịch Nam Ô do Công ty CP tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư, vì vậy, nhân dân đã nhiều lần làm đơn lên các cấp, ngành, kiến nghị việc giữ lại nguyên trạng, không giải tỏa mộ. Các Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Xây dựng và UBND quận Liên Chiểu cũng có văn bản thống nhất ý kiến như trên, trong khi chờ quyết định của UBND thành phố.

Căn cứ để xác định rõ nguồn gốc của ngôi mộ vẫn chưa ngả ngũ, nhưng sự tồn tại của ngôi mộ mang ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa và tâm linh của người làng Nam Ô từ mấy trăm năm nay là điều không thể bàn cãi. Ngoài ra, bản thân những huyền tích được dân gian truyền tụng đã là một giá trị. Việc không di dời ngôi mộ, cũng như quan tâm bảo tồn và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhà khoa học về nguồn gốc ngôi mộ là vô cùng cần thiết.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

Đọc thêm