Về quê nghỉ Tết, đi đường nào ở Hà Nội, TP HCM để tránh tắc đường?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Hà Nội và TP HCM đều có hướng dẫn phân luồng giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2024 giúp người dân về quê hạn chế ùn tắc tại các khu vực, tuyến đường ra, vào cửa ngõ thành phố.

Cận Tết, Hà Nội tắc đường từ sáng đến đêm. Ảnh: VTC News
Cận Tết, Hà Nội tắc đường từ sáng đến đêm. Ảnh: VTC News

Hà Nội phân luồng 6 hướng

Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hướng các phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Nam có thể đi theo các hướng sau: Trung tâm Hà Nội đi nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Trung tâm Hà Nội đi quốc lộ 1 cũ: Giải Phóng - Ngọc Hồi - quốc lộ 1 vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại nút giao Vạn Điểm; Nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên).

Những điểm đen ùn tắc dịp Tết ở Hà Nội

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 234 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông dịp cuối năm.

Các điểm có nguy cơ cao nhất là khu vực cửa ngõ phía Nam, chiếm đến 70% phương tiện ra, vào Hà Nội, trong đó có tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3 trên cao.

Bên cạnh đó, các cây cầu cửa ngõ như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Nhật Tân, Thăng Long và các tuyến đường có bến xe lớn như Giải Phóng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Cừ… cũng có nguy cơ ùn tắc rất cao.

Một số tuyến đường những ngày qua liên tục xảy ra ùn tắc gồm: Lê Văn Lương - Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xiển, Thái Hà, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Láng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Chánh,...

Quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú Quang Trung) - ngã ba Ba La đi đường 21B - quốc lộ 38 để ra quốc lộ 1 cũ (nút giao Đồng Văn) hoặc vào nút giao Vực Vòng đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - rẽ trái đi đường Phùng Hưng - đến đường trục phía Nam rẽ trái đường tỉnh 427B - ra ga Thường Tín để vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Quốc lộ 6 đi thị trấn Xuân Mai đi đường Hồ Chí Minh - đường 21B.

Với hướng từ các tỉnh phía Nam đi về thành phố Hà Nội, nhằm giảm tải lưu lượng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nút giao Pháp Vân, các phương tiện có thể đi theo các hướng sau: Tại nút giao Liêm Tuyền trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi đường tỉnh lộ 494 - quốc lộ 21B - quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông).

Tại nút giao Vực Vòng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi theo 2 hướng sau: Rẽ trái đi quốc lộ 38 - quốc lộ 21B - quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông); Rẽ phải đi quốc lộ 38 - qua cầu Yên Lệnh - quốc lộ 39A - đường tỉnh 379 - nút giao với đường Vành đai 3 (cầu Thanh Trì).

Ở nút giao Vạn Điểm: Rẽ trái đi quốc lộ 1 - đường tỉnh 429 - quốc lộ 21B - quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông). Tại nút giao Thường Tín: Đi đường tỉnh 427 - đến đường trục phía Nam - đường Phùng Hưng (Hà Đông).

Hướng các phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau: Đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; Cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - quốc lộ 18 đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; Cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - Hà Huy Tập - Ngô Gia Tự - cầu Đuống - đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Hướng các phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Tây Bắc (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau: Cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - quốc lộ 2 vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Cầu Thăng Long - tỉnh lộ 23 - đường Mê Linh đi quốc lộ 2; Cầu Thăng Long - cầu vượt Nam Hồng - đường 23 - quốc lộ 2 - đường tỉnh 310B đi cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Quốc lộ 3 - đường tỉnh 296 - vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Quốc lộ 32 đi Phú Thọ.

Hướng các phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau: Đại lộ Thăng Long - đường Tản Lĩnh Yên Bài - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Quốc lộ 6 - thị trấn Xuân Mai - Hòa Bình.

Hướng các phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Đông (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau: Đường Cổ Linh - nút giao đường Vành đai 3 với đường Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Đường tỉnh 379 đi Hưng Yên, Hải Phòng.

Quốc lộ 5 cũ (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận) đi Hải Dương; Cầu Thanh Trì - đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - đi quốc lộ 18.

Gợi ý lộ trình rời TP HCM

Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP HCM, để tránh ùn tắc trên hành trình từ thành phố ra miền Bắc, các loại xe từ khu vực bến Miền Đông mới (TP Thủ Đức) có thể đi quốc lộ 1 đến cầu Đồng Nai, sau đó rẽ qua quốc lộ 51, đường Võ Nguyên Giáp tới ngã ba Dầu Giây, rồi tiếp tục theo quốc lộ 1 ra Bắc. Riêng lộ trình cho ôtô, từ bến xe Miền Đông mới, xe khi qua đến Đồng Nai có thể theo cao tốc Long Thành - Phan Thiết để ra miền Bắc.

Hướng ngược lại từ phía Bắc về TP HCM, các loại xe khi đến quốc lộ 1 đoạn qua ngã ba Dầu Giây có thể theo đường Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 51, cầu Đồng Nai rồi vào bến xe Miền Đông Mới. Hoặc từ ngã ngã ba Dầu Giây, ôtô chạy tới cầu vượt Ngã ba Vũng Tàu, rồi đến cầu Đồng Nai trước khi vào bến Miền Đông Mới.

Riêng ôtô, xe từ các tỉnh phía Bắc có thể theo quốc lộ 1, cao tốc Phan Thiết - Long Thành đến quốc lộ 51, sau đó tới cầu Đồng Nai rồi vào TP HCM.

Đối với hướng từ TP HCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các loại xe có theo các tuyến quốc lộ 13, 14 (hoặc ĐT 741). Hoặc quốc lộ 13, đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 1 rồi qua Đồng Nai để vào quốc lộ 20. Riêng ôtô có thể theo cao tốc Long Thành - Dầu Giây rồi rẽ vào quốc lộ 20.

Đối với hướng ngược lại từ Đông Nam Bộ, Tây Nguyên về TP HCM, ôtô, xe máy có thể theo quốc lộ 14 (hoặc ĐT741), quốc lộ 13 để vào thành phố. Còn đối với ôtô, tài xế có thể chọn cao tốc Long Thành - Dầu Giây, rồi rẽ vào các tuyến như Mai Chí Thọ, Võ Nguyên Giáp, cầu Sài Gòn... để vào khu nội đô.

Ở hướng đi miền Tây, ôtô có thể theo cao tốc TP HCM - Trung Lương rồi qua quốc lộ 1 và ngược lại. Các loại xe khác có thể chọn quốc lộ 1, 50, 22 và ngược lại.

Điểm nóng giao thông tại TP HCM dịp cuối năm

Theo Sở GTVT TP HCM, tính đến tháng 1/.2023, toàn thành phố vẫn còn 9 điểm đen tai nạn giao thông chưa thể xoá. Trong đó, có 2 điểm đen vừa phát sinh là cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (Quận Tân Bình) và cầu vượt thép Ba Tháng Hai - Nguyễn Tri Phương (Quận 10).

Bên cạnh những điểm đen, thành phố vẫn còn một số điểm nóng có nguy cơ ùn tắc. Các điểm nóng ùn tắc tập trung ở khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái và khu vực trung tâm thành phố.

Những điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm thành phố là khu vực đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm trên địa bàn quận 1, giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo thuộc quận 1 và quận 5, khu vực Lý Tự Trọng - Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn thuộc quận 1, ngã sáu Công trường Dân chủ thuộc quận 3 và quận 10; đường Nguyễn Tất Thành thuộc quận 4, khu vực Sư Vạn Hạnh - Thành Thái - 3 Tháng 2 thuộc quận 10…

Đọc thêm